Huyện Tây Giang (Quảng Nam) đập bỏ hàng loạt tượng chó

Thứ tư, 01/09/2021 15:58

Sáng nay (1-9), người dân tại trung tâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) bất ngờ khi phát hiện nhiều tượng chó được dựng dọc tuyến đường trung tâm huyện lâu nay đã bị lực lượng chức năng tháo dỡ vào tối 31-8.



Tượng chó bằng đá được huyện Tây Giang dựng ở trung tâm huyện từ năm 2018.

Theo đại diện lãnh đạo huyện Tây Giang, việc tháo dỡ này được thực hiện sau thời điểm đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra các nội dung theo Nghị quyết 33 của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa. Qua kiểm tra đoàn đã phát hiện một số vi phạm, trong đó có việc Tây Giang dựng một số tượng linh vật không đảm bảo các quy định. Theo đó, đoàn công tác yêu cầu huyện Tây Giang tháo dỡ, hoàn trả nguyên trạng cảnh quan của dải phân cách cứng tuyến đường qua trung tâm huyện.

Được biết, 5 tượng chó bằng đá trên được lãnh đạo huyện Tây Giang cho dựng vào đầu năm 2018. Dưới chân tượng chó này là một bài thơ có nội dung: “Xưa câu chuyện kể rằng/ Tổ tiên người Cơtu/ Sinh ra từ cha chó/ Nay có họ Zơrâm/ Dù chỉ là truyền thuyết/ Trần gian nào ai hơn/ Chung thủy nhất với người/ Chắc chắn chỉ loài chó/ Cơtu nhớ cội nguồn/ Dựng tượng thờ tiên tổ/ Hạnh phúc hay gian khó/ Yêu thương con chó hiền”.

Và một trong số các tượng chó đã bị đập bỏ hiện nay.

Thời điểm những ngôi tượng chó trên được dựng, người dân trong và ngoài huyện Tây Giang cũng xôn xao, bàn tán. Giải thích về việc cho dựng các tượng chó này, ông Bhriu Liếc – Bí thư Huyện ủy Tây Giang lúc đó nói rằng, do các già làng người Cơtu đề nghị, huyện đưa ra các biểu trưng và các già làng đã thống nhất chọn hình con chó.

Về bài thơ được khắc dưới tượng, ông Bhriu Liếc cho biết, bài thơ được viết dựa trên truyền thuyết của người Cơtu. Truyền thuyết kể rằng, từ thời xa xưa, trời mưa lũ, nước dâng ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi. Trên đó còn một con chó và một cô gái sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Sau này, hai người gặp và lấy nhau, sinh ra con cháu dòng họ Zơrâm…

LÊ HẢI