Huyền thoại về những Pơtao không ngai (3)

Thứ sáu, 26/09/2014 09:29

* Bài 3: Những chuyện kể về Pơtao Angin

(Cadn.com.vn) - Từ Plei Ơi - làng của Vua Lửa xuôi xuống phía Đông Nam tỉnh Gia Lai là địa danh Plei Măng nơi vẫn còn in dấu những câu chuyện của vị Vua Gió - Pơtao Angin. Những câu chuyện kể huyền bí về vị Vua Gió cuối cùng Siu Bam vẫn còn lưu truyền.

Khi 2 vị Pơtao giáp mặt

Dù vị Pơtao Angin cuối cùng ở làng Plei Măng (xã Chư Athai, H. Phú Thiện) đã qua đời cách đây tròn 26 năm cũng là đời Vua Gió cuối cùng nhưng đến giờ những câu chuyện huyền thoại về vị vua này vẫn sống mãi trong tâm trí người Jrai.

Cũng như bao làng Jrai khác, làng Plei Măng yên bình với những khung cảnh quen thuộc và căn nhà sàn của vị Vua Gió vẫn còn đó qua bao mùa mưa nắng. Hậu duệ của vị Pơtao Angin là bà Ksor H'Nhriu (con gái Vua Gió Siu Bam) đón chúng tôi với nụ cười niềm nở với niềm tự hào bởi bà biết chúng tôi tìm đến để nghe những chuyện kể về người bố của bà - vị Vua Gió cuối cùng. Sinh năm 1920, đến năm Siu Bam 49 tuổi thì vị Vua Gió đời thứ 4 qua đời và toàn bộ người Jrai ở làng Plei Rơ Bai và Buôn Ma Dơ đã chọn Siu Bam kế vị làm vị Pơtao Angin đời thứ 5. Sau khi lấy ý kiến các già làng và qua các buổi cúng, người Jrai ở 2 làng cho rằng Siu Bam được Yang yêu mến làm Pơtao để giúp dân làng cầu mưa, gọi gió, cúng cho người ốm hết cái bệnh, cúng cho người điên trở lại bình thường, cúng cho mùa màng không còn thất bát...

Bà Ksor H'Nhriu-con gái của Vua Gió Siu Bam và chiếc chén đồng gắn qua nhiều đời Pơtao Angin.

Đến bây giờ bà Ksor H'Nhriu vẫn không biết vì sao người Jrai ở đây gọi là Pơtao Angin nhưng lúc trước người trong làng và kể cả các làng Jrai khác đều kính trọng Vua Gió. Cũng như các vị Pơtao khác như Pơtao Apui (Vua Gió), Pơtao Ia (Vua Nước) thì Pơtao Angin không được chạy, không cưỡi ngựa, đi xe mà chỉ được đi bộ nhưng khi đi 2 tay phải để nghiêm không được vung... vì sẽ cuốn theo mưa, gió, lốc, bão. Bà H'Nhriu kể rằng: Năm 1971, đứa cháu trai của bà là Siu Bót mời Vua Gió Siu Bam đi dự phiên tòa được xét xử tại làng Plei Blok. Thế nhưng, đến sáng hôm sau thức dậy muộn, đứa cháu của bà đã giục Siu Bam lên xe máy để chở đi cho kịp giờ. Khi chiếc xe lăn bánh vài trăm mét, bỗng dưng trời chuyển tối sầm, mây đen kéo đến và trời nổi gió lốc khiến chiếc xe chao đảo lao vào vệ đường rồi gãy đôi.

Bên cạnh đó, các Pơtao cũng không được ngồi giáp mặt nhau bởi lúc đó mưa, gió sẽ kéo đến. Già Siu Pon (82 tuổi, ở làng Plei Măng) vẫn còn nhớ: Vào năm 1980 Vua Gió Siu Bam đi ăn nhà mả ở làng Plei Tơmul. Khi ché rượu cần vừa mới được mở ra thì Vua Gió thấy Vua Lửa Siu Luynh (Vua Lửa đời 14) đi qua đó nên gọi vào. Khi hai vua vừa giáp mặt nhau, bỗng có cơn gió lốc xuất hiện thổi bay cả hnom (lều) mà 2 vị vua đang ngồi uống rượu. Thế nên, khi cần việc gì trao đổi giữa các Pơtao thì chỉ để cho người phụ tá giữa 2 bên gặp nhau. Riêng đối với trẻ con trong làng thấy vua thì... không được chào hỏi mà phải tránh xa vào nhà bởi thấy vua sẽ bị... đau bụng. Lúc đó, bố mẹ phải bế con tới gặp vua xin... nước bọt của vua bôi vào bụng mới hết bệnh.

Hai chiếc ché tang, ché tôk của Vua Gió Siu Bam để lại.

Pơtao Angin với sức mạnh huyền bí

Những người già vẫn còn nhớ như in vào mùa khô khi Siu Bam vừa mới lên làm Vua Gió chưa đầy một năm, trời khô khốc, mọi con sông, con suối quanh làng Plei Măng đều bị mặt trời "hút" hết nước, đồng ruộng nứt nẻ, con nít khóc suốt đêm vì khát. Người Jrai phải lũ lượt kéo nhau vào rừng chặt từng ống tre để chắt từng giọt nước. Không chịu nổi cơn hạn hán khắc nghiệt, dân làng tìm đến Pơtao Angin xin Pơtao tiến hành lễ Amĩ Bia Ama Pơtão (lễ cúng cầu mưa). Lễ vật gồm một con gà, một ghè rượu lớn, một chén đồng và một đĩa lớn đựng thịt heo được đặt trên đàn dựng ở gò đất trống đầu làng. Vua gió Siu Bam trong bộ lễ phục màu trắng cùng hai trợ lý là Siu Ma Sâm và Siu Blơl và 5 người già trong làng bắt đầu làm lễ.

Dân làng không ai được phép ra gần mà chỉ ở nhà khua chiêng, gõ trống "phụ trợ" cho Pơtao gọi gió, cầu mưa ở trong làng. Cúng từ sáng đến chiều muộn thì bất chợt gió nổi lên từng cơn, mây đen giăng kín bầu trời. Giữa gò đất đầu làng, Vua Gió trong tay cầm thanh gươm tiếp tục cầu khẩn các Yang cho gió, cho mưa giúp dân làng. Một lúc sau, trời tối sầm và cơn mưa nặng hạt đổ rào rào xuống. Dân làng Plei Măng kéo ra trước sân, quỳ mọp trong mưa hướng về phía Pơtao Angin lập đàn mà cúi lạy. Sau lần đó, tiếng tăm của Vua Gió lan mãi, cách đó cả vài chục cây số các làng ở vùng Krông Pa mời Vua Gió về làm lễ giúp dân cầu mưa, chữa bệnh cho người ốm, người điên... Ngày Vua Gió Siu Bam từ giã cõi trần, dân làng ở các vùng lân cận cũng ùn ùn kéo về hàng nghìn người đưa ma ông.

Già Siu Pon kể chuyện Vua Gió và Vua Lửa gặp nhau.

Dẫn chúng tôi vào căn nhà của vị Vua Gió cuối cùng, bà Ksor H'Nhriu đưa cho xem những vật dụng còn lại của Vua Gió trong lần cúng xin Yang cho gió, cho mưa. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là 2 ché tang, ché tok lớn hoa văn khá đơn giản nhưng có người đã đòi đổi lấy mấy con bò và một chén đồng. Bà H'Nhriu kể rằng: trước kia kỷ vật của Vua Gió để lại còn có ba lục lạc tròn bằng đồng, một nồi đồng nhưng bị người ta ăn cắp mất. Nghe đâu, sau đó, cả gia đình người ăn cắp đang ở trong nhà thì bị một cơn gió lốc cuốn sập khiến cả nhà bị chết. Dân làng tin rằng, do gia đình nhà này đã phạm vào vật thiêng của Pơtao nên bị trừng phạt. Riêng về thanh gươm thần của Vua lửa thì bà H'Nhriu kể rằng: Trước thanh gươm cất trên núi Chư Prong, sau đó sợ mất nên bố của bà là Pơtao Angin Siu Bam đưa về cất ở trong nhà. Thế nhưng, gươm cứ động đậy làm rung chuyển căn nhà và báo mộng không chịu nên đưa lại vào rừng... đến giờ thanh gươm cũng đã bị mất.

Trong căn nhà của Siu Bam - vị Vua Gió cuối cùng của mảnh đất Tây Nguyên giờ đã trở thành nơi ở của "hậu duệ" con, cháu. Cuộc sống của những người con, cháu của Siu Bam vẫn như bao người dân Jrai ở ngôi làng này. Không còn cảnh nghèo đói, kiêng cữ như trước nữa, cuộc sống của họ khấm khá hơn nhờ biết chăm chỉ làm ăn và dân làng cũng không còn phải tới nhờ cậy cầu mưa, cầu gió nữa. Những câu chuyện về Vua Gió giờ chỉ còn là hoài niệm và đang phai dần theo dòng chảy của thời gian.

Minh Tân
(còn nữa)