Hy Lạp loay hoay tìm đường sống
(Cadn.com.vn) - Số phận của Hy Lạp hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hy Lạp ngày 1-7 kêu gọi các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone) và ECB giúp đỡ sau khi bị vỡ nợ do chậm trả khoản tiền vay 1,6 tỷ EUR cho IMF.
Những người biểu tình ủng hộ EU tụ tập trước Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp. Ảnh: Reuters |
Athens sẽ bỏ trưng cầu dân ý?
Những phút thương lượng cuối cùng của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế vào cuối ngày 30-6 vẫn không thể cứu “đất nước thần thoại” thoát khỏi kết cục vỡ nợ.
Vì vậy, Athens hiện dồn mọi nỗ lực quyết tâm để không bị chìm nghỉm. Athens đã xin gia hạn thanh toán nợ vào phút cuối và Ban lãnh đạo IMF tuyên bố sẽ xem xét việc này “theo đúng tiến trình”. Nhưng theo AFP, người phát ngôn IMF Gerry Rice khẳng định, Athens hiện chỉ có thể nhận thêm tiền từ IMF khi đã trả được khoản vay 1,6 tỷ EUR này.
Trong động thái chứng tỏ thiện chí mới nhất, Hy Lạp trình lên các chủ nợ đề xuất cứu trợ mới kéo dài 2 năm, đồng thời kêu gọi tiến hành tái cấu trúc nợ sau khi ám chỉ khả năng Thủ tướng Alexis Tsipras có thể sẵn sàng bỏ cuộc trưng cầu dân ý gây sóng gió với các chủ nợ. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis nói với những người đồng cấp trong Eurozone rằng, đảng Syriza cầm quyền có thể thúc giục người Hy Lạp bỏ phiếu nói “có” trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới nếu Athens được cấp một khoản vay mới.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến được công bố vào hôm 1-7 cho thấy, cử tri có xu hướng nói “không” với các điều khoản thắt lưng buộc bụng do các chủ nợ yêu cầu sau khi Thủ tướng Tsipras thúc giục cử tri bác bỏ các điều kiện của các chủ nợ mà ông gọi là “nhục nhã”. Theo thăm dò được tiến hành từ ngày 28 đến 30-6, 54% những người có kế hoạch bỏ phiếu nói “không” trong 33% nói “có”. Mặc dù vậy, tỷ lệ chênh lệch có thể được thu hẹp đáng kể sau biến cố Athens buộc phải đóng cửa các ngân hàng và áp đặt kiểm soát vốn.
Áp lực lên ECB
Việc Hy Lạp vỡ nợ gây chấn động thị trường tài chính vì mối lo Athens sẽ phải ra khỏi khu vực Eurozone. Người dân Hy Lạp thật sự đang rất lo lắng cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, đầu tư bất động sản và khả năng nghỉ hưu của những người đã đến tuổi.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đang nỗ lực tích cực thuyết phục chính phủ Hy Lạp cánh tả chấp nhận các cam kết cải cách mà họ đã từ chối tuần trước để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể nhấn chìm EU và toàn thế giới. Trong ngày 1-7, các bộ trưởng tài chính Eurozone tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về đề xuất vào phút cuối của Hy Lạp. Tuy nhiên, có sự hoài nghi sâu sắc giữa các đối tác của Hy Lạp khi họ không muốn vội vàng đi đến bất kỳ thỏa thuận nào cho một quốc gia vốn trở thành nền kinh tế tiên tiến đầu tiên chậm trả nợ IMF, được vay thêm tiền. Tại Đức, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, một nghị sĩ cấp cao trong khối bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel cáo buộc Athens gây chia rẽ Châu Âu và sẽ là sai lầm nếu EU cấp thêm khoản vay mới cho nước này.
Hội đồng hoạch định chính sách quản lý của ECB đã nhóm họp tại Frankfurt, Đức để quyết định việc duy trì, tăng hoặc cắt giảm các khoản vay khẩn cấp để có thể cứu các ngân hàng Hy Lạp. Theo Ngân hàng Bundesbank của Đức, vốn đi đầu trong phe phái bảo thủ ở Đức, ECB không thể cung cấp vốn thông qua Ngân hàng trung ương Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, người có đường lối cứng rắn với Hy Lạp, có bước đi bất thường khi tuyên bố sẽ tư vấn cho ECB không tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp.
Thực tế hiện nay ở Hy Lạp rất rối ren. Các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa đến hết ngày 7-7 trong khi việc rút tiền ở các ATM cũng chỉ giới hạn 60 EUR.
Khả Anh