Hy vọng từ thông điệp năm mới

Thứ tư, 02/01/2019 08:44

Từ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh cho đến London hay Berlin, trong không khí pháo hoa thắp sáng bầu trời đánh dấu thời khắc chuyển giao đón năm mới 2019, nhà lãnh đạo các nước cũng kịp gửi đi những thông điệp, kêu gọi hòa bình, đoàn kết dân tộc cũng như đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia trên khắp thế giới.

Trong bối cảnh dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến hoạt động kinh doanh toàn cầu bị thu hẹp, Chủ tịch Tập Cận Bình truyền đi thông điệp năm mới đến Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, công cuộc cải cách và mở cửa của nước này “sẽ không bao giờ dừng lại”. Tuy nhiên, thông điệp Năm mới 2019 nhà lãnh đạo Triều Tiên mới là bài phát biểu được chờ đợi nhất.

Tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa

Trong bài phát biểu dài 30 phút được phát sóng trên truyền hình, ông Kim Jong-un kêu gọi các nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng của Triều Tiên lên tầm thế giới và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, Bình Nhưỡng dẫn đầu xu hướng xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa.

Ông Kim Jong-un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bất cứ lúc nào, và kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa. Đồng thời, ông cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải tìm kiếm một hướng đi thay thế đánh giá sai sự kiên nhẫn của Triều Tiên. Trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới các đồng bào Triều Tiên sinh sống tại Hàn Quốc. Theo ông Kim Jong-un, mối quan hệ liên Triều đã bước vào “giai đoạn hoàn toàn mới”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng kêu gọi Mỹ-Hàn chấm dứt các cuộc tập trận chung. Theo ông, vũ khí chiến lược quân sự không nên được đưa đến bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, ông Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẵn sàng nối lại hoạt động tại khu liên hợp Kaesong cũng như chương trình du lịch tới núi Kumgang.

Hàn Quốc hoan nghênh thông điệp này, cho rằng, nó phản ánh mong muốn của nhà lãnh đạo Triều Tiên về phát triển quan hệ liên Triều và quan hệ Bình Nhưỡng-Washington.

Thông điệp hòa bình

Giữa các thách thức ngoại giao lớn trong năm 2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 1-1 cam kết đẩy mạnh đàm phán với Nga để ký kết hiệp ước hòa bình thời hậu chiến.

Trong thông điệp đầu năm, đề cập đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nga, vấn đề cải thiện quan hệ với Trung Quốc và cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Thủ tướng Abe nêu rõ: “Nhật Bản sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu khi chào đón các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới… với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào tháng 6-2019 tại Osaka. Tokyo và Moscow vẫn chưa ký một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt các động thái thù địch thời chiến do tranh chấp liên quan 4 đảo ngoài khơi Hokkaido được Nhật tuyên bố chủ quyền nhưng do Nga kiểm soát. Theo các nguồn tin chính phủ, ông Abe sẽ thăm Nga vào khoảng ngày 21-1 để gặp Tổng thống Putin.

Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế

Trong khi các nhà lãnh đạo Châu Á nhấn trọng tâm vào thông điệp hòa bình, từ Châu Âu, các nhà lãnh đạo Châu Âu chú trọng đến chủ nghĩa khủng bố và vấn đề Brexit (Anh rời EU).

Trong bài phát biểu năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cập đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu và quy định di cư. Theo bà Merkel, Đức muốn giải quyết các vấn đề trên trước tiên để phục vụ lợi ích của chính nước này, cân nhắc lợi ích của các quốc gia khác. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, Đức muốn “đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn”, ám chỉ thực tế nước này sẽ đảm nhận vị trí ủy viên không thường trực trong HĐBA LHQ trong hai năm 2019-2020. Đề cập vấn đề Brexit, Thủ tướng Đức nhấn mạnh “chúng tôi muốn duy trì quan hệ đối tác gần gũi với Anh bất chấp việc nước này rời khỏi EU”. Thủ tướng Merkel tuyên bố bà sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo vào tháng 10 năm sau.

Tại Anh, Thủ tướng Theresa May cũng giành hầu hết thời gian của bản thông điệp năm mới kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà, đồng thời cam kết thỏa thuận này sẽ cho phép Anh “có một bước ngoặt” và giúp chính phủ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước như vấn đề nhà ở cũng như sự thiếu hụt năng lực. Lời kêu gọi được Thủ tướng May đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội Anh về kế hoạch Brexit này. Cuộc bỏ phiếu, được Thủ tướng May hoãn lại hồi tháng 12 để tránh thất bại, sẽ là thời điểm then chốt cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới: sẽ quyết định xem liệu Anh có đi theo kế hoạch của bà May để có thể rời khỏi EU một cách có kiểm soát và khép lại vừa phải mối quan hệ kinh tế, hoặc sẽ phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn về bước đi tiếp theo của Anh.

THANH VĂN