Iran hướng Đông, Trung Quốc hướng Tây
(Cadn.com.vn) - Bất chấp các biện pháp trừng phạt hạn chế tiếp cận thị trường của Iran, Trung Quốc mua dầu của Tehran. Trung Quốc ủng hộ Iran tại HĐBA LHQ và trong các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1. Mối quan hệ của Iran với Trung Quốc có thể có những tranh chấp, nhưng hai nước nhanh chóng giải quyết xung đột khi các chính sách của họ xoay về phía nhau.
Từ dầu mỏ...
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại đáng tin cậy nhất của Iran kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực vào năm 2010.
Bắc Kinh nhập khẩu 630.000 thùng dầu mỗi ngày (bpd) từ Iran trong nửa đầu năm 2014, tăng 48% so với năm trước. Nghiên cứu cho thấy, những thống kê này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Với trữ lượng dầu cao thứ 4 trên thế giới, Cộng hòa Hồi giáo là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 3 cho Trung Quốc, chiếm 12% số dầu Bắc Kinh nhập khẩu hàng năm. Rõ ràng, lệnh trừng phạt chưa bao giờ, và cũng không bao giờ là một rào cản ngăn chặn sự tham gia của Bắc Kinh với Tehran trong lĩnh vực năng lượng. Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ giảm bớt các biện pháp trừng phạt, tốc độ giao dịch năng lượng giữa Bắc Kinh và Tehran hầu như không giảm.
Nhập khẩu dầu vẫn tăng lên dưới thời cấm vận, một phần do xuất khẩu dầu siêu nhẹ của Iran tới Trung Quốc và nhiều nơi khác ở Châu Á. Không giống như các đồng minh phương Tây, vốn e ngại trước Trung Đông mà chỉ dám bỏ ra các khoản đầu tư chiến lược tại các khu vực ít bị xung đột hoặc khủng bố, Bắc Kinh không e ngại khi đầu tư vào các khu vực hỗn loạn trên thế giới, miễn là tiếp cận được các nguồn năng lượng không bị gián đoạn.
Iran và Trung Quốc đều mong muốn mở rộng quan hệ song phương. |
... Đến con đường tơ lụa
Ngoài năng lượng, hai nước trao đổi tất cả mọi thứ từ đồ chơi đến vũ khí. Tổng thương mại giữa Bắc Kinh- Tehran tăng mạnh kể từ năm 2007, khi Trung Quốc thay thế Liên minh Châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran.
Trở thành đối tác thương mại vĩnh viễn với Iran là ưu tiên của Trung Quốc bởi Bắc Kinh muốn phát triển vùng đất mới và con đường tơ lụa hàng hải. Các con đường tơ lụa trên đất liền cuối cùng sẽ đi qua phía bắc Iran trên đường đến Venice, và nối với con đường tơ lụa trên biển. Với sự kết nối này, vành đai kinh tế Con đường tơ lụa sẽ cho phép Trung Quốc trở thành trung tâm thương mại và liên kết văn hóa trên cả 3 châu lục.
Rào cản từ thỏa thuận hạt nhân
Tuy nhiên, quan hệ năng lượng mật thiết giữa Trung Quốc và Iran cũng khiến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phải trả giá. Ở một mức độ nhất định, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình giành được một phần tin tưởng nào đó từ chính quyền Obama, nhưng với việc tiếp tục nhập khẩu hạn ngạch cao dầu siêu nhẹ từ Iran, Bắc Kinh đang dần gây mất lòng tin từ Washington.
Một thành phần trung tâm của mối quan hệ song phương Bắc Kinh-Tehran liên quan đến những tiến bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Thỏa thuận hạt nhân tạm thời kéo dài 6 tháng giữa P5 +1 và Iran, ký vào ngày 24-11-2013 và gần đây kéo dài đến ngày 20-11-2014, cho phép Trung Quốc có thêm thời gian để tránh các cơ chế trừng phạt của phương Tây.
Thỏa thuận tạm thời cho phép Iran khôi phục quỹ dầu 4,2 tỷ USD bị đóng băng và xuất khẩu dầu thô (khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày) - và có khả năng mở rộng thêm 2,8 tỷ USD trong 4 tháng tới nếu Tehran có những bước đi nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.
Trong các cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1 gần đây, có vẻ như phương Tây muốn chia rẽ quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-Iran. Và chiến lược này dường như đạt được một số thành công. Chẳng hạn như, vào tháng 4 vừa qua, Iran đột ngột chấm dứt một thỏa thuận dầu khí trị giá 2,5 tỷ USD với Trung Quốc tại mỏ dầu Azadegan (gần biên giới với Iraq), ước tính có trữ lượng 33-42 tỷ thùng.
Thỏa thuận hạt nhân tạm thời hiện nay buộc Tehran phải quyết đoán hơn với Bắc Kinh. Có khả năng Trung Quốc và Iran sẽ hợp tác với nhau để đôi bên cùng có lợi, nhưng trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang di chuyển về phía trước, điều này xem ra rất mong manh.
An Bình
(Theo Diplomat)