Iran sẽ can thiệp sâu vào Iraq
(Cadn.com.vn) - Iran có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong canh bạc của Mỹ tại Iraq.
Năm 2003, Mỹ đưa quân đến Iraq, lật đổ kẻ thù của Tehran, cố Tổng thống Saddam Hussein. Sau đó, Washington giúp thành lập chính phủ người Shiite lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Iraq.
Khi quân đội Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống quân nổi dậy, Iran tranh thủ mở rộng ảnh hưởng trên tất cả các phe phái Shiite lớn của Iraq. Hiện, chính quyền Tehran đang có những động thái để tăng sức ảnh hưởng tại Iraq, và cảm thấy thoải mái khi hành động quân sự công khai.
Không có ai kiềm chế Tehran, bởi sự lớn mạnh của IS đe dọa lợi ích của tất cả các phe phái Shiite ở Iraq cũng như chính quyền Iran. Nói rộng hơn, Tehran muốn đảm bảo, Iraq không đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với lợi ích của Iran một lần nữa, như Saddam đã làm khi ông xâm lược Iran vào năm 1980, dẫn đến cuộc chiến Iran-Iraq 8 năm tàn phá cả hai nước.
Iran sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ chính phủ do người Shiite lãnh đạo ở Baghdad.
Chiến đấu cơ F-4 Phantom của Iran được Mỹ cho là thực hiện không kích IS tại Iraq. Ảnh: Aviationist |
Một trò chơi lâu dài
Tehran là người chơi xuất sắc trong trò chơi lâu dài tại Iraq. Sự sẵn sàng của Iran trong việc cung cấp tài chính cho các phe phái khác nhau cho thấy sự nhanh nhẹn tuyệt vời của Tehran thông qua nền chính trị Iraq. Ngay sau khi Mỹ xâm lược, Tehran tìm đến giáo sĩ người Shiite Muqtada al-Sadr - người được cho là chuyên gia về sự can thiệp của Iran tại Iraq - và tài trợ cho lực lượng dân quân và các mạng lưới xã hội của ông này.
Trong báo cáo gửi Bộ Ngoại giao vào tháng 11-2009, Đại sứ Mỹ tại Iraq Christopher Hill ước tính, Tehran hỗ trợ cho Iraq từ 100-200 triệu USD mỗi năm. Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tài trợ, vũ trang và huấn luyện lực lượng dân quân Shiite tấn công các mục tiêu của quân đội Mỹ. Họ cũng đưa dân quân Iraq tới Iran đào tạo sử dụng vật liệu nổ và bắn tỉa. Washington giúp các phe phái Shiite tại Baghdad thỏa hiệp và đưa ông Nuri al-Maliki lên làm thủ tướng vào năm 2006.
Khi ông Maliki đang phải vật lộn duy trì quyền lực, ông phụ thuộc nhiều hơn vào Iran. Đối với Iran, ông Maliki là đồng minh đáng tin cậy, người cho phép các chuyến bay của Iran trên lãnh thổ Iraq để vận chuyển vũ khí và nhân lực cho chế độ Bashar al-Assad tại Syria sau cuộc tổng nổi dậy năm 2011. Khi giới tinh hoa chính trị Iraq hồi tháng 8-2014 đồng ý thay thế ông Maliki, các lãnh đạo Iran Mỹ và hầu hết các cường quốc phương Tây chuyển sang ủng hộ người kế nhiệm Haider al-Abadi.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ cho biết, Tehran cung cấp hàng tấn thiết bị quân sự cho các lực lượng an ninh Iraq và bí mật tiến hành các chuyến bay không người lái giám sát từ căn cứ không quân ở Baghdad. Iran cũng gửi hàng trăm chiến binh Quds đến đào tạo lực lượng Iraq và phối hợp hành động. Các quan chức Iran dần dần thừa nhận, hoạt động bí mật bên trong Iraq.
Các cuộc chiến trong khu vực
Trung Đông hiện đang rơi vào nhiều cuộc chiến. Tại Iraq, các nước láng giềng hỗ trợ các chiến binh Sunni, trong khi Iran hỗ trợ chính phủ người Shiite và lực lượng dân quân Shiite. Tại Lebanon, một liên minh giữa Washington và các nước theo chế độ Sunni - Ai Cập, Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh khác - ủng hộ một chính phủ Sunni lãnh đạo chống lại Hezbollah, một lực lượng Shiite do Iran hậu thuẫn.
Tại Palestine, Iran ủng hộ Hamas, trong khi Mỹ và các đồng minh Arab ủng hộ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và phong trào Fatah của ông. Khi các nước ở Trung Đông nhận ra, nước Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến ở Iraq, họ bắt đầu hành động để bảo vệ lợi ích. Saudi Arabia, được Iraq xem vũ khí chống lại ảnh hưởng của Iran, cố gắng làm suy yếu chính phủ người Shiite tại Baghdad. Mặc dù Saudi Arabia có đa số người Sunni, những người cai trị lo sợ ảnh hưởng của Iran. Tại Bahrain (một đồng minh khác của Mỹ ở Vùng Vịnh), đa số người Shiite đang mâu thuẫn với các lãnh đạo Sunni.
Bằng cách kết hợp của các nguồn tài trợ, đào tạo cho lực lượng dân quân và hỗ trợ chính trị, Iran sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng đối với các nhóm Shiite lớn ở Iraq. Nói rộng hơn, Mỹ và Iran hiện đang chia sẻ lợi ích chung trong việc đánh bại IS và duy trì chế độ ổn định, có thể vượt qua các cuộc xung đột sắc tộc ở Baghdad. Chính quyền Obama và Tehran khăng khăng không phối hợp trực tiếp tại Iraq, nhưng họ cần thiết phải liên minh với nhau.
An Bình
(Theo CNN)