Iran-Mỹ bắt tay chống IS?

Thứ ba, 09/12/2014 09:09

(Cadn.com.vn) - Iran-Mỹ dường như đã thật sự phối hợp hành động trong các vụ không kích nhằm vào kẻ thù chung: nhóm Hồi giáo IS.

Khi Iran lần đầu tiên chính thức xác nhận không kích các mục tiêu IS ở Iraq theo yêu cầu của Baghdad hôm 6-12, cả Tehran và Washington đều ra tuyên bố nhấn mạnh, họ không phối hợp hành động.

Guardian dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour xác nhận: “Chúng tôi không có bất kỳ sự phối hợp nào với người Mỹ. Chúng tôi chỉ hợp tác với chính phủ Iraq”. Lầu Năm Góc cũng khẳng định, Mỹ và Iran hoạt động ở khu vực riêng rẽ tại Iraq.

Hai máy bay F-18E của Mỹ trong cuộc không kích các mục tiêu IS ở Iraq. Ảnh: AFO

XÍCH LẠI GẦN NHAU

Theo tờ Al Jazeera, mặc dù cả hai đều bác bỏ, có một yếu tố mà họ không thể phủ nhận: đó là Cộng hòa Hồi giáo Iran sử dụng máy bay do Mỹ sản xuất, F-4 Phantom để chống lại kẻ thù chung.

Đội F-4 và F-14 của Iran được kế thừa từ Lực lượng Hoàng gia của Vua Mohammed Reza Pahlavi. Iran, dưới triều đại Vua Mohammed là một trong số ít các đồng minh của Mỹ có thể mua F-14 với một trong những hệ thống radar tối tân nhất vào thời điểm đó.

Kế hoạch mua sắm của Vua Mohammed thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, cũng như phục vụ lợi ích của Washington về địa chính trị trong Chiến tranh Lạnh. Quân sự tiên tiến của Iran cũng giúp họ nổi lên như kẻ bá quyền khu vực, có thể ảnh hưởng đến các sự kiện từ Iraq đến vùng Vịnh; từ Afghanistan đến Nam Á.

Các cuộc tấn công bằng F-4 của Iran ở tỉnh Diyala của Iraq gợi nhớ về các cuộc tấn công khác tại Tuwaitha năm 1980, năm đầu tiên của cuộc chiến Iran-Iraq. Trong cuộc không kích đầu tiên này, Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo chia sẻ các lợi ích tương tự, mặc dù hướng đến các mục tiêu khác nhau.

Mỹ yêu cầu Iran thả nhà báo Jason

Ngoại trưởng John Kerry ngày 8-12 yêu cầu Tehran ngay lập tức thả nhà báo Jason Rezaian, người mang 2 quốc tịch Iran và Mỹ, vốn bị Tehran bắt giữ từ hồi tháng 7.

Theo Reuters, phóng viên Rezaian, trưởng đại diện của tờ Washington Post ở Tehran, bị tòa án nước này buộc tội trong phiên xử kéo dài hôm 6-12. Tuy nhiên, những cáo buộc cụ thể nhằm vào ông này vẫn chưa được nói rõ ràng tại tòa. Hiện cũng không rõ phóng viên này có tiếp tục hầu tòa hay không. Rezaian, 38 tuổi, bị bắt hôm 22-7 cùng với vợ, bà Yeganeh Salehi, người được đóng tiền để tại ngoại hồi tháng 10.

T.L

Nhà Trắng, khi căng thẳng với Tehran trong cuộc khủng hoảng con tin, không muốn Iran phát triển khả năng hạt nhân có thể đe dọa đồng minh Israel. Cho đến nay, cả Washington và Tehran vẫn tiếp tục đụng độ trong các mối quan hệ với Tel Aviv.

Bỏ qua những khác biệt, cả Mỹ và Iran vẫn hợp tác với nhau để loại bỏ lực lượng Taliban ở Afghanistan vào năm 2001. Nguyên nhân chung chống lại Taliban vào năm 2001, hoặc IS vào năm 2014, cho thấy, bất chấp xung đột kéo dài nhiều thập kỷ và sự hoài nghi, chính sách thực dụng địa lý có thể buộc cả hai quốc gia phải bắt tay nhau.

NHỮNG BẰNG CHỨNG GIÁN TIẾP

Trong cuộc phỏng vấn với AP, tân đại sứ Mỹ tại Baghdad, Stuart Jones từng nói: “Hãy đối mặt. Iran là người hàng xóm quan trọng đối với Iraq. Cần phải có sự hợp tác giữa hai nước”.

Tuyên bố này được xem là bằng chứng gián tiếp cho thấy, Nhà Trắng và quốc gia Hồi giáo dường như đã tìm ra bản tạm ước trong việc đối phó với IS ở Iraq. Tuy nhiên, Iran vẫn tuyên bố, họ chỉ làm vậy theo yêu cầu của chính quyền Iraq. Những lời bác bỏ ban đầu của Tehran đặt ra câu hỏi về việc có phải Iran không muốn gây khó khăn cho liên minh của Mỹ khi tung ra các cuộc không kích của riêng mình.

Trong trường hợp này, không muốn làm xáo trộn chiến dịch của Mỹ (nhiều nguồn tin cho rằng, Lầu Năm Góc sẽ ngừng không kích ở Iraq khi Iran tham gia), cả Tehran và Baghdad có lẽ muốn giữ cuộc không kích này “cho riêng mình”. Nhưng trên thực tế, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền Iraq và Iran đang vấp phải chỉ trích gay gắt ở trong nước khi nhiều người coi đây là “sự đầu hàng nhục nhã của Baghdad”.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Có phải Mỹ và Iran đang đi trên cùng chiến tuyến ở Iraq? Câu trả lời cho câu hỏi này không chỉ là “có” ở Iraq mà có khả năng “có” cho sự ổn định lâu dài của Syria và Afghanistan. Nhưng Washington và Tehran có lẽ vẫn không thể công khai điều này.

Khả Anh