Iran sẽ phản ứng "kiên quyết và tương xứng" với nghị quyết của IAEA

Thứ sáu, 10/06/2022 10:39
Sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết chỉ trích Iran về vấn đề hạt nhân, Tehran đã có tuyên bố đáp trả cứng rắn.
Cuộc họp của Hội đồng thống đốc IAEA xem xét nghị quyết lên án Iran vào ngày 8-6 ở Vienna, Áo.
Cuộc họp của Hội đồng thống đốc IAEA xem xét nghị quyết lên án Iran vào ngày 8-6 ở Vienna, Áo.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Hội đồng thống đốc IAEA, với 35 thành viên, ngày 8-5 đã thông qua một nghị quyết chính thức chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) sau khi Tehran không giải thích thỏa đáng việc phát hiện dấu vết uranium tại 3 cơ sở hạt nhân không được công bố của nước này. Bốn nước Pháp, Đức, Anh và Mỹ cũng ra tuyên bố chung kêu gọi Iran không trì hoãn thêm trong việc tuân thủ các nghĩa vụ hợp tác với IAEA nhằm tránh những hành động trừng phạt tiếp theo. Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi thúc giục Iran để tâm đến lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về tuân thủ những nghĩa vụ pháp lý của mình và hợp tác với IAEA để làm rõ đầy đủ và giải quyết các vấn đề".

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6-2020, IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran, trong bối cảnh các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran và các cường quốc đang bế tắc. Israel đã ngay lập tức có phản ứng, gọi nghị quyết trên là "có ý nghĩa trong việc phơi bày bộ mặt thật của Iran", đồng thời cho rằng các nước lớn "nên đưa vấn đề Iran trở lại Hội đồng Bảo an LHQ" nếu Tehran tiếp tục "các hành động" nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày, IAEA cho biết, Iran đã bắt đầu lắp đặt một cụm máy ly tâm tiên tiến IR-6 tại một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Natanz theo kế hoạch thông báo từ lâu, nhưng hiện lại đang có ý định bổ sung 2 cụm tương tự. Thông tin này được đưa ra trong một báo cáo của IAEA gửi cho các nước thành viên. Báo cáo cho biết thêm rằng việc lắp đặt hai cụm máy ly tâm bổ sung chưa bắt đầu.

Iran lên án

Về phần mình, hãng thông tấn IRNA (Iran) dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami tại cuộc họp nội các hàng tuần cho hay Iran không có hoạt động hạt nhân bí mật hoặc không được ghi chép nào. Ông Eslami cũng bác bỏ báo cáo của IAEA là vô căn cứ và nhằm mục đích gây áp lực lên Tehran "mang tính chất chính trị" và "không mang tính xây dựng". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: "Iran lên án việc thông qua nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất tại cuộc họp Hội đồng thống đốc IAEA. Đây là một hành động mang tính chất chính trị, không mang tính xây dựng và sai trái".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Saeed Khatibzadeh khẳng định, Tehran sẽ phản ứng "kiên quyết và tương xứng" đối với nghị quyết của IAEA có nội dung lên án nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong tuyên bố trên trang Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng nhấn mạnh rằng, "những kẻ khởi xướng" nghị quyết nêu trên (gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức) "phải chịu trách nhiệm về các hậu quả".

Nga, Trung phản đối

Nghị quyết mà IAEA thông qua lần này do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất đã bị Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối.

Theo Phó trưởng Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại LHQ tại Vienna (Áo) Wang Chang, việc gây áp lực lên Tehran sẽ không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Iran mà còn làm gia tăng căng thẳng và leo thang tình hình. Nhà ngoại giao này cho biết, Trung Quốc đã bỏ phiếu chống tại cuộc họp của IAEA cũng như phản đối các nước liên quan gây áp lực lên Iran bằng nghị quyết trên. Ông Wang lưu ý, động thái đối đầu như vậy tại cuộc họp hội đồng IAEA sẽ chỉ làm tổn hại đến hợp tác Iran-IAEA và phá hoại các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, vốn đang trong giai đoạn quan trọng cuối cùng.

Theo đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là kết thúc các cuộc đàm phán hạt nhân Iran và đưa thỏa thuận này trở lại đúng lộ trình. Tất cả các bên liên quan nên tạo điều kiện cần thiết và bầu không khí lành mạnh cho các nỗ lực ngoại giao. Trung Quốc cho rằng, với tư cách là người khởi xướng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran hiện tại, Mỹ nên đưa ra các quyết định chính trị càng sớm càng tốt và tích cực phản ứng với những lo ngại chính đáng của Iran để thúc đẩy sớm đạt được một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán hạt nhân.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đã điện đàm, trao đổi về sự cần thiết đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với phương Tây nhằm đảm bảo duy trì và thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng trong cuộc điện đàm, hai bên bày tỏ sẵn sàng củng cố quan hệ song phương, trong đó có việc thực hiện các dự án kinh tế và thương mại chung.

B.N