Iran tăng cường bảo vệ các cơ sở hạt nhân, đề phòng Mỹ
Tờ Al-Qabas của Kuwait ngày 25-12 dẫn nguồn tin từ Iran cho biết, Tehran đã tăng cường hệ thống phòng không xung quanh các cơ sở hạt nhân, đề phòng khả năng Mỹ mở các đợt tấn công tên lửa.
Nhà máy hạt nhân Natanz của Iran. |
Thông tin đăng trên báo Al-Qabas cho biết Iran đã triển khai các hệ thống phòng không, radar quanh những địa điểm làm giàu uranium ở Fordo và Natanz, vốn được xem là 2 cơ sở hạt nhân quan trọng của nước này. Các nguồn tin nói rằng bên cạnh hệ thống tên lửa của Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) còn triển khai các tên lửa đất đối không (SAM) do Nga chế tạo tới gần 2 địa điểm trên. Các hệ thống phòng không và ra-đa được dùng để bảo vệ các cơ sở quan trọng, thiết yếu đối với chương trình hạt nhân của Tehran, ngăn chặn một đòn tấn công tiềm tàng với dụng ý phá hủy tiến trình làm giàu uranium tại Iran.
Gia tăng thù địch
Việc tăng cường sức mạnh phòng thủ diễn ra khi quan hệ Mỹ-Iran gia tăng căng thẳng trong vài tuần cuối nắm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 24-12, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump cáo buộc Iran đứng sau các đợt tấn công bằng rocket nhằm vào tòa Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, đồng thời cảnh báo Tehran sẽ phải trả giá nếu có bất kỳ công dân Mỹ nào thiệt mạng trong vụ việc như trên. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, Washington nhận được thông tin về việc gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cụ thể. Trang Axios (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang cân nhắc đóng nhanh Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Động thái này - cùng với một số phương án đang được xem xét - có thể báo hiệu trước Mỹ sẽ phát động tấn công trả đũa Iran. Tạp chí Forbes và Đài NBC News (Mỹ) cho rằng ông Trump có thể sẽ ra lệnh tấn công Iran trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống 4 năm.
Vùng Xanh, nơi tọa lạc của Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, gần đây trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công, khiến chính quyền Tổng thống Trump cân nhắc việc đóng cửa phái bộ ngoại giao này. Mới nhất là vụ 20 rocket bắn thẳng vào vùng Xanh hôm 20-12, tuy không gây ra thương vong nào với Mỹ, nhưng cũng khiến tòa đại sứ Mỹ chịu hư hại.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc. Ông Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter: "Đặt công dân của bạn vào mối đe dọa ở nước ngoài sẽ không thể làm chuyển hướng sự chú ý vào những thất bại thê thảm ở trong nước".
Trong một diễn biến liên quan căng thẳng Mỹ-Iran, ngày 24-12, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra tuyên bố cho hay, một trang mạng với tên gọi "Kẻ thù của Nhân dân" đã nổi lên sau cuộc bầu cử hôm 3- 11. Các cơ quan an ninh này cho hay, họ có "thông tin với độ tin cậy cao" cho thấy "các nhân tố ảo" người Iran chắc chắn chịu trách nhiệm về việc lập trang mạng này. Theo tuyên bố, trang mạng có nội dung thể hiện "mục đích của Iran là tạo sự chia rẽ và hoài nghi ở Mỹ cũng như làm suy giảm lòng tin của công chúng vào tiến trình bầu cử của Mỹ".
Đảng Dân chủ ủng hộ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran
Ít nhất 150 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã ký một lá thư bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Tổng thống đắc cử Joe Biden thúc đẩy tái ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Các thành viên của Dân chủ cho rằng nỗ lực của ông Biden để gia nhập lại thỏa thuận quốc tế nếu Iran quay trở lại tuân thủ nên được sử dụng như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm giải quyết "hành vi độc hại khác" của Tehran. Nội dung lá thư trên khẳng định sự ủng hộ đối với việc nhanh chóng thực hiện các bước ngoại giao cần thiết để khôi phục các ràng buộc đối với chương trình hạt nhân của Iran và đưa cả Iran và Mỹ tuân thủ Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Mỹ phải quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), mà không được đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết hoặc yêu cầu bổ sung nào. Bà Zakharova cho rằng, những nỗ lực sửa đổi thỏa thuận hạt nhân đều kết thúc bằng thất bại. "Nó vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục được thực thi một cách có hệ thống, đúng như cách mà Nghị quyết số 2231 (về thỏa thuận hạt nhân) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được nhất trí thông qua hôm 20-7-2015", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Mọi quốc gia, trong đó có Mỹ, đều bắt buộc phải tuân thủ nghị quyết này mà không được đưa ra bất cứ sự bảo lưu nào”.
AN BÌNH
MỸ CHO PHÉP IRAN CHUYỂN TIỀN RA NƯỚC NGOÀI ĐỂ MUA VACCINE COVID-19 Ngày 24-12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Abdolnaser Hemmati thông báo Washington đã cho phép Tehran chuyển tiền ra nước ngoài để mua vaccine phòng Covid-19. Phát biểu trên kênh truyên hình quốc gia Iran, Thống đốc Hemmati cho biết một ngân hàng của Iran đã được Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho phép chuyển tiền tới một ngân hàng của Thụy Sĩ để thanh toán các đơn hàng mua vaccine ngừa Covid-19. Ông Hemmati nói: “Họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với mọi ngân hàng của chúng ta. Họ chấp nhận trường hợp duy nhất này do sức ép của công luận quốc tế”. Cũng theo Thống đốc CBI, Iran sẽ trả khoảng 244 triệu USD cho những lô hàng đầu tiên gồm 16,8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong khuôn khổ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng. Hiện Chính quyền Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về thông báo của Thống đốc CBI. |