Iran và P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân

Thứ tư, 15/07/2015 06:20

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận hạt nhân “ra đời” vừa giúp kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran vừa định hình lại mối quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo và phương Tây.

Sau 15 ngày đàm phán căng thẳng và gay cấn kể từ sau thời hạn chót cuối cùng (30-6), Iran và nhóm các cường quốc P5+1 ngày 14-7 tuyên bố chính thức hoàn tất thỏa thuận lịch sử nhằm đảm bảo Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân, đóng lại hơn 1 thập kỷ đàm phán về vấn đề nóng bỏng nhất thế giới này.

“Tất cả những vấn đề chông gai được giải quyết và chúng tôi đạt được một thỏa thuận”, CNN dẫn lời một quan chức cho biết.

Bàn đàm phán hạt nhân đã kết thúc thành công trong sáng 14-7. Ảnh: Reuters

Thời khắc lịch sử

“Đây là thời khắc lịch sử”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói khi ông tham dự phiên họp cuối cùng với đối tác Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga tại Vienna vào sáng 14-7.

Theo ông, mặc dù thỏa thuận này không phải là hoàn hảo cho bất cứ ai, nhưng nó là những gì “chúng tôi có thể thực hiện, và là một thành tựu quan trọng cho tất cả chúng ta”. Cũng theo vị trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, “bây giờ chúng tôi đang bắt đầu chương mới của hy vọng”. Vị Ngoại trưởng Iran cũng ca ngợi thỏa thuận này là giải pháp “cùng thắng” cho cả hai bên. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU), Federica Mogherini gọi đây là “dấu hiệu của hy vọng cho toàn thế giới”.

Thỏa thuận này - cũng được coi là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama - giúp định hình lại mối quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo và phương Tây cũng như mở ra cơ hội lớn cho một Trung Đông vốn luôn bất ổn. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí cảnh báo Quốc hội sẽ phủ quyết mọi đạo luật ngăn cản việc thực thi thỏa thuận "đáng để nắm lấy" này. Tuy nhiên, Israel - kẻ thù của Iran ở Trung Đông – cho rằng, thỏa thuận này là “sai lầm lịch sử của thế giới” và cho rằng, các cường quốc phương Tây đã đầu hàng trước Tehran.

Những thỏa hiệp  quan trọng

Theo thỏa thuận, phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, đổi lại, Iran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi trong vòng ít nhất 10 năm và áp đặt các quy định mới cho việc thanh tra các cơ sở hạt nhân, gồm các cơ sở quân sự.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran vẫn duy trì trong 5 năm nữa, dù có thể kết thúc sớm hơn nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận rõ ràng về tình trạng làm giàu hạt nhân của Tehran. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt về tên lửa đạn đạo cũng duy trì trong 8 năm nữa. Và Tehran đã nhất trí với điều khoản này, động thái khá bất ngờ bởi nước này vẫn khăng khăng yêu cầu LHQ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí và tên lửa ngay sau khi đạt được một thỏa thuận.

Trung Quốc và Nga vốn ủng hộ yêu cầu này của Iran song không muốn làm chệch hướng bàn đàm phán. Trong khi đó, Washington tìm cách duy trì việc cấm Iran nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí, lo ngại rằng, quốc gia Hồi giáo sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad, phe phiến quân Houthi ở Yemen, nhóm chiến binh Hezbollah ở Lebanon và các lực lượng đối lập với đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

Một điều khoản quan trọng khác mà Iran chấp nhận: cho phép các thanh sát viên LHQ kiểm tra các cơ sở quân sự của quốc gia Hồi giáo, động thái mà Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei vẫn tuyên bố kiên quyết phản đối. Tuy nhiên, việc thanh sát không được bảo đảm tuyệt đối và có thể bị trì hoãn, điều kiện mà các nhà chỉ trích thỏa thuận này cho là “dành thời gian để Tehran bao che cho bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào”. Theo đó, Tehran sẽ có quyền phản đối yêu cầu của LHQ và một Hội đồng Trọng tài gồm Iran và 6 cường quốc thế giới sau đó sẽ quyết định về vấn đề này. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết, cơ quan này và Iran đã ký kết một “lộ trình” để giải quyết các vấn đề.

Một phần then chốt trong thỏa thuận toàn diện này là Iran đồng ý với cái gọi là kế hoạch phục hồi, theo đó trong vòng 65 ngày, phương Tây sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt nếu Tehran vi phạm thỏa thuận.

Khả Anh