Iran “vượt ngưỡng” 30-6
(Cadn.com.vn) - Giới phân tích nhận định, cuộc đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1, gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đức với Iran dự kiến sẽ kéo dài sau thời hạn chót ngày 30-6.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 30-6 trở lại bàn đàm phán hạt nhân ở Vienna, Áo - nơi các nhà đàm phán nỗ lực khắc phục những khác biệt đáng kể và chuẩn bị tiến đến thỏa thuận cuối cùng khi thời hạn chót ngày 30-6 đi qua.
Iran và nhóm P5+1 đẩy mạnh các cuộc đàm phán trong ngày 30-6 sau khi chấp nhận |
Theo AFP, Ngoại trưởng Zarif trở lại các cuộc đàm phán sau một ngày tham vấn đầy căng thẳng tại Tehran và có cuộc họp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Theo các nguồn tin, ông Zarif trở về Tehran từ hôm 29-6 để xin ý kiến giới chức lãnh đạo về điểm mấu chốt nhất còn tồn tại là Iran có cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận tất cả các căn cứ quân sự hay không.
“Tôi cảm thấy các cuộc đàm phán đã đạt đến giai đoạn rất nhạy cảm, và ở giai đoạn này, với ý chí chính trị, quyết tâm và rất nhiều việc phải làm, một kết quả tốt là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Zarif nói với các phóng viên khi đến Vienna với ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu cơ quan nguyên tử Iran vốn từng bỏ lỡ nhiều phiên họp trước đó do bệnh tật. Hãng thông tấn chính thức của Iran cho biết, sự có mặt của ông Salehi cho thấy mong muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán và đạt một thỏa thuận toàn diện của Tehran.
Và dấu hiệu cho thấy các bên có thể đạt thỏa thuận toàn diện với Iran là cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đều tham dự các cuộc thảo luận tại Vienna trong ngày 30-6. Tuy nhiên, ông Zarif cho biết, quốc gia Hồi giáo chỉ chấp nhận một thỏa thuận “công bằng, cân bằng và dựa trên niềm tự hào quốc gia và quyền lợi của người dân Iran”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ thái độ thận trọng khi tuyên bố hiện vẫn còn quá sớm để nói sẽ đạt một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân Iran. Phát biểu với báo giới tại Vienna, ông Kerry nói rằng, cho đến nay, các bên vẫn đang ráo riết làm việc. Thủ lĩnh ngoại giao Mỹ cũng có cuộc gặp với Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Yukiya Amano nhằm thảo luận về các bước tiếp theo trong đàm phán cũng như việc thanh sát các địa điểm ở Iran, nếu đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
Iran khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, phương Tây nghi ngờ Tehran chứa chấp tham vọng vũ khí hạt nhân. Theo các nhà ngoại giao Châu Âu, khác biệt quan trọng nhất còn tồn tại giữa hai bên là quyền tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế đối với các căn cứ quân sự của Iran. Một quan chức Mỹ cho biết, nhóm P5+1 giờ đây có nhượng bộ đáng kể khi không yêu cầu quyền tiếp cận mọi căn cứ và địa điểm quân sự của Iran. Tuy nhiên, điều quan trọng là phản ứng của Tehran.
Trong khi 7 quốc gia sẽ tiếp tục làm việc vượt qua thời hạn chót 30-6, một quan chức Mỹ nhấn mạnh, không có chuyện sẽ tiếp tục gia hạn thời hạn chót mới cho tiến trình đàm phán kéo dài hơn 20 tháng qua. Tại LHQ, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói với các phóng viên rằng, không có thời hạn chót mới cho các cuộc đàm phán hạt nhân. Ông Fabius, người có mặt tại Vienna trong nhiều ngày qua, lặp đi lặp lại những tuyên bố về “giới hạn đỏ” cho một thỏa thuận, đưa ra những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn nếu Iran không thực hiện đúng theo các cam kết. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông, bàn đàm phán hạt nhân Iran có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng trong vòng 1 tuần.
Bàn đàm phán hạt nhân này từng gặp cảnh tương tự. Các cuộc đàm phán hạt nhân gần đây nhất kết thúc vào ngày 2-4, 2 ngày sau khi thời hạn 30-3. Tuy nhiên, các nỗ lực hiện nay là khó khăn hơn vì các nhà ngoại giao phải giải quyết mọi yếu tố cho một thỏa thuận chính thức cuối cùng.
Khả Anh