ISIS-K, nhóm khủng bố khét tiếng đứng sau loạt tấn công kinh hoàng sân bay Kabul
Sau vụ đánh bom kép kinh hoàng ở sân bay Kabul, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Khorasan (còn gọi là ISIS-K), nhánh cực kỳ bạo lực thuộc tổ chức IS, đã tuyên bố nhận trách nhiệm.
Các phần tử ISIS-K trong một buổi huấn luyện ở Afghanistan. Ảnh: Asia Defence |
Đây là loạt tấn công mới nhất trong hàng trăm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng của nhóm cực đoan khét tiếng này. Trước vụ việc này, ISIS-K - một nhánh tại Afghanistan của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - được biết tới là nhóm khủng bố tàn bạo, đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các thường dân vô tội trong suốt những năm qua. Trước vụ đánh bom sân bay Kabul làm hơn 100 người chết, ISIS-K đã gây ra hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu khác trên lãnh thổ Afghanistan.
Nhánh khét tiếng của IS, là ai?
ISIS-K là nhóm cực đoan tách ra từ Taliban và nhanh chóng trở thành kẻ thù không đội trời chung, ngay cả khi Taliban đã kiểm soát được Afghanistan.
ISIS-K chính thức được thành lập vào tháng 1-2015, thề trung thành với IS và nhóm này hoạt động mạnh nhất ở tỉnh Khorasan, Afghanistan. Chỉ huy đầu tiên của ISIS-K là một người Pakistan tên là Hafiz Saeed Khan. Cựu thành viên Taliban và cựu tù nhân nhà tù Guantanamo (Mỹ) Abdul Rauf Aliza làm cấp phó của Khan. Cả Aliza và Khan đều thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ ở Afghanistan lần lượt vào năm 2015 và 2016. Thủ lĩnh hiện tại của ISIS-K là Shahab al-Muhajir. ISIS-K được thành lập bởi các cựu thành viên Taliban tại Pakistan, Taliban Afghanistan và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan. Tuy nhiên, theo thời gian, nhóm đã chiêu nạp chiến binh từ nhiều nhóm khác.
Nhóm khủng bố cực đoan này đã chiến đấu với Taliban trong nhiều năm qua để tranh giành lãnh thổ ở Afghanistan sau sự sụp đổ của IS tại Syria và Iraq. Chỉ trong một thời gian ngắn, ISIS-K đã củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ ở một số quận nông thôn ở phía bắc và đông bắc Afghanistan, đồng thời phát động một chiến dịch gây chết chóc trên khắp Afghanistan và Pakistan.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ), ISIS-K đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan trong suốt năm 2017 và 2018, ngoài khoảng 250 cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Mỹ, Afghanistan và Pakistan. Năm ngoái, ISIS-K nhận trách nhiệm vụ tấn công đại học Kabul làm ít nhất 35 người chết; vụ nã rocket vào phủ tổng thống Afghanistan; và vụ tấn công sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul…
Đến năm 2018, nó đã trở thành một trong 4 tổ chức khủng bố sát hại nhiều người nhất trên thế giới - theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Có những bằng chứng đáng kể cho thấy nhóm này đã nhận được tiền, chỉ đạo và đào tạo từ tổ chức cốt lõi của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Một số chuyên gia đánh giá số tiền này lên tới trên 100 triệu USD.
Các tay súng Taliban đi tuần trên đường phố Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP |
Đối thủ “không đội trời chung” với Taliban
Ngay từ đầu, Taliban và IS-K đã coi nhau là kẻ thù do khác biệt về hệ tư tưởng, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt để giành địa bàn.
ISIS-K coi Taliban Afghanistan là đối thủ chiến lược của mình. Chúng gọi Taliban Afghanistan là “những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc bẩn thỉu” với tham vọng chỉ thành lập một chính phủ giới hạn trong ranh giới của Afghanistan. Kể từ khi thành lập, ISIS-K đã cố gắng tuyển mộ các thành viên Taliban Afghanistan đồng thời tấn công vào các vị trí của Taliban trên khắp đất nước. Các nỗ lực của chúng đạt được một số thành công, nhưng Taliban đã cố gắng ngăn chặn bằng cách tổ chức những cuộc tấn công đáp trả nhằm vào lực lượng và vị trí của ISIS-K.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Taliban đôi khi được một số quốc gia, trong đó có cả Mỹ, hỗ trợ để giành chiến thắng trong các cuộc đối đầu với ISIS-K. Các thành viên ISIS-K bị đánh bật khỏi Afghanistan hoặc phải phân tán để ẩn náu. Taliban vấp phải rất ít sự kháng cự từ ISIS-K trong lúc đánh chiếm lãnh thổ Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rút quân.
Giới quan sát cho rằng vụ đánh bom sân bay Kabul sẽ khiến nợ máu giữa Taliban và ISIS-K thêm chồng chất. Vụ đánh bom như lời nhắc nhở rằng cuộc chiến giữa Taliban và ISIS-K, chưa đi đến hồi kết. Taliban đã xác nhận ít nhất 28 thành viên của lực lượng này đã thiệt mạng trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul.
Theo các chuyên gia, chiến lược chung của ISIS-K là thiết lập một đầu tàu cho phong trào “Nhà nước Hồi giáo” để mở rộng cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” sang Trung và Nam Á. ISIS-K nhắm mục đích củng cố lực lượng để trở thành tổ chức thánh chiến hàng đầu trong khu vực. Điều này thể hiện rõ trong các thông điệp của nhóm, thu hút các chiến binh “thánh chiến” kỳ cựu cũng như những thành phần trẻ hơn ở các khu vực thành thị.
Mục tiêu của ISIS-K là tạo ra sự hỗn loạn và bất ổn, trong nỗ lực đẩy các chiến binh vỡ mộng từ các nhóm khác gia nhập hàng ngũ của chúng, cũng như gây nghi ngờ về khả năng bảo đảm an ninh của bất kỳ chính phủ cầm quyền nào với người dân.
Trong ngắn hạn, ISIS-K có thể sẽ tiếp tục gieo rắc hỗn loạn, cản trở quá trình rút quân và chứng tỏ rằng Taliban không có khả năng bảo đảm an ninh cho dân chúng. Xa hơn, chúng có thể gây ra các mối đe dọa ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
KHẢ ANH