Kashmir bên bờ vực bạo loan

Thứ tư, 07/08/2019 13:57

Ấn Độ ngày 5-8 triển khai thêm ít nhất 8.000 binh sĩ bán vũ trang từ nhiều địa phương trên cả nước đến thung lũng Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng Lục quân và Không quân trong tình trạng báo động cao. Động thái trên xảy ra sau khi chính phủ do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo thông qua một sắc lệnh của tổng thống nhằm hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với vùng Kashmir tranh chấp, sau khi ban bố loạt biện pháp siết chặt áp an ninh quy mô lớn trong khu vực này. Đây là điều chưa từng xảy ra, và nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho tình trạng bạo loạn.

Đã có những cuộc biểu tình chống lại quyết định hủy bỏ Điều 370 của chính phủ Ấn Độ. Ảnh: BBC

Chuyện gì đang xảy ra?

Kashmir, khu vực nằm trên dãy núi Himalaya, là nơi tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Mỗi bên đều tuyên bố mình có toàn đối với vùng này, nhưng chỉ kiểm soát được từng phần.

Trong những ngày đầu tháng 8, có những dấu hiệu cho thấy một điều gì đó đang nổi lên ở Kashmir. Ấn Độ đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ đến khu vực, một cuộc hành hương lớn bị hủy bỏ, các trường học bị đóng cửa, du khách được lệnh rời đi, dịch vụ điện thoại và Internet bị cắt và các nhà lãnh đạo chính trị khu vực bị quản thúc tại gia. Hầu hết mọi người đều suy đoán, chính phủ sẽ hủy bỏ Điều 35A của hiến pháp, vốn dành một số đặc quyền cho người dân ở đây. Tuy nhiên, chính phủ sau đó khiến tất cả mọi người choáng váng khi tuyên bố hủy bỏ Điều 370, trong đó 35A là một phần và là cơ sở của mối quan hệ phức tạp của Kashmir với Ấn Độ trong khoảng 70 năm.

Điều 370 trao quyền tự trị đặc biệt cho khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống ở dãy Himalaya này. Qua đó, cho phép chính quyền bang Jammu và Kashmir có một số quyền tự chủ nhất định, chẳng hạn như, có hiến pháp riêng, lá cờ riêng và tự do đưa ra luật, trong khi lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng và thông tin liên lạc vẫn nằm dưới sự quản lý của chính quyền trung ương. Theo đó Jammu và Kashmir có thể đưa ra các quy tắc riêng liên quan đến cư trú vĩnh viễn, quyền sở hữu tài sản và các quyền cơ bản. Chính quyền bang cũng có thể cấm người Ấn Độ từ bên ngoài tiểu bang mua tài sản hoặc định cư ở đó. Bãi bỏ điều khoản này sẽ chấm dứt quy chế đặc biệt của Kashmir, một yếu tố then chốt để khu vực này sáp nhập với Ấn Độ năm 1947.

Tại sao chính phủ thay đổi?

Thủ tướng Narendra Modi và đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo từ lâu đã phản đối Điều 370 và hủy bỏ nó trong tuyên ngôn bầu cử năm 2019 của đảng. Họ lập luận, nó cần phải được loại bỏ để sáp nhập Kashmir và đưa nó cùng tiến lên với phần còn lại của Ấn Độ. Sau khi tái đắc cử với một nhiệm vụ lớn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 và tháng 5, chính phủ đã không chờ quá lâu để thực hiện cam kết.

Hôm 5-8, chính phủ công bố sắc lệnh của tổng thống, hủy bỏ toàn bộ Điều 370 trừ một điều khoản nói bang này là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Sắc lệnh sẽ sớm trở thành luật sau khi được tổng thống ký, bởi việc hủy bỏ điều khoản này chỉ cần có sắc lệnh tổng thống là đủ. Đánh giá về quyết định hủy bỏ Điều 370 của chính phủ, nhiều nhà chỉ trích cho rằng, BJP dường như đang muốn hướng dư luận khỏi vấn đề suy thoái kinh tế mà Ấn Độ hiện đang phải đối mặt bằng cách đưa họ đến một vấn đề nóng hơn. Trong khi đó, nhiều người dân Kashmir cho rằng, mục đích cuối cùng của BJP là thay đổi đặc điểm nhân khẩu học của khu vực có đa số người Hồi giáo bằng cách cho phép những người dân ở khu vực khác đến mua đất ở đó.

Mối nguy

Kashmir sẽ không còn có một hiến pháp riêng biệt mà sẽ phải tuân theo hiến pháp Ấn Độ giống như bất kỳ bang nào khác. Tất cả các luật pháp Ấn Độ sẽ được áp dụng cho người dân Kashmir, và những người từ bên ngoài tiểu bang có thể mua tài sản ở đó. Chính phủ nói rằng điều này sẽ mang lại sự phát triển cho khu vực.

Tuy nhiên, P Chidambaram, một nhà lãnh đạo cấp cao trong đảng Quốc hội đối lập đã mô tả quyết định này là một "bước đi thảm khốc" và cảnh báo trước Quốc hội rằng nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Pakistan đã ra tuyên bố "lên án mạnh mẽ" quyết định này của Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh, chiếu theo các nghị quyết của HĐBA LHQ, Ấn Độ không được thay đổi quy chế của Kashmir, vùng lãnh thổ mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố khẳng định, người dân Pakistan và Kashmir sẽ không chấp nhận hành động của Ấn Độ và Islamabad sẽ thực hiện tất cả những phương án có thể để ngăn chặn điều này.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế.

AN BÌNH