Kể chuyện công việc bảo tồn
Thường bắt đầu những mùa mưa. Ở vùng miền Trung nơi hay lắm lụt kèm giông bão, áp thấp. Tháng chín năm một ngàn chín trăm tám mươi, chúng tôi hăm hở đi vào khu đền tháp cổ Mỹ Sơn với niềm vui như những kẻ tiên phong để chuẩn bị đón đoàn chuyên gia qua khảo sát cho công việc trùng tu. Và không may lũ về. Con suối nhỏ nước tràn lên cả khu tháp, chúng tôi kịp chạy lên ngọn đồi. Ướt và đói.
Năm một ngàn chín trăm chín bảy, một kế hoạch hậu khảo cổ là trưng bày các tác phẩm sau cuộc khai quật tại di tích kiến trúc Chămpa tháp cổ Chiên Đàn. Việc dựng một tấm bia cổ với bệ bục và mái che tưởng dễ dàng. Nhưng ôi thôi! Dựng ngược chữ. Hơn ba năm sau, một giáo sư đến từ cộng hòa Séc, thầy Ivo (Ivo Vasiliev, 1935-2017) nhà ngôn ngữ biết hơn 10 ngoại ngữ, nói tiếng Việt như một người Việt giỏi phát âm chuẩn, và đã từng dịch thơ Bác Hồ qua tiếng Séc đã phát hiện ra. Khi giáo sư học tiếng Ấn Độ cổ (chữ Phạn, Sanskrict) và chữ Chăm cổ đã đến tìm hiểu kiểu chữ viết trên bia ký cổ ở di tích này và đã ân cần nhắc tôi. Một chuyến đi kiểm tra bằng cách “vẽ” lại chữ và so sánh ở các mẫu chữ khắc trên các văn bia ở Mỹ Sơn và đúng là tôi đã xếp đặt ngược chữ. Nhưng để chuyển lật lại cho đúng thì cũng hai năm sau vì phải có xe cẩu nâng. Dễ chừng bia đá này nặng cả hai tấn hơn!
Một công việc mà cơ quan chủ quản hay đề nghị giúp thiết kế cái tường rào và cổng ra vào để bảo vệ di tích. Việc trở thành thói quen mà nhiều người làm công việc này hay mắc phải là cố gắng bắt chước lại các đường nét, hoa văn của kiến trúc cổ trước đó để “vẽ”. Kết quả có người đã la làng lên “coi chừng du khách tưởng nhầm là người Chăm xưa đã xây dựng”. Một lời nhận xét không muốn nói là lời quở trách xác đáng!
Chuyện buồn của mình thì cũng có chuyện của nhiều người. Những năm tám mươi, khi việc xây trụ sở ủy ban xã mà cái cột cờ là hạng mục quan trọng. Nhưng ai đó sáng kiến khi lấy cái bệ Yoni để làm... đế dựng cột cờ! Và đã có cuộc tranh giành xảy ra của ranh giới hai xã ở cánh đồng nơi bệ thờ được phát hiện. Và khi đưa bệ thờ này về trưng bày cũng là công việc khó khăn cho người làm công việc bảo tồn.
Gần đây nhất, tưởng cố gắng giữ tính “chân chân xác” trong bảo tồn di tích mà Hiến Chương Nara đã tuyên bố năm 1994 đã khuyến cáo các nhà trùng tu. Câu chuyện cụ thể là chân tường trong đền tháp Khương Mỹ (Quảng Nam) được gia cố, xây bằng khít với da tường chung quanh. Tưởng rằng an toàn cho kiến trúc nhưng chuyên gia Chăm học đã khuyến cáo về yếu tố gốc bị mất đi vì người Chăm xưa đã cố tình tạo nên “Hang động - Nơi thần trú ngụ”. Nghĩ công việc tu bổ mà hoang mang!
...Chuyện buồn vui về người làm công việc bảo tồn, tu bổ kiến trúc cổ còn dài như nhiều viên gạch cổ bị cố tình làm vỡ mà tôi đã biết câu chuyện ba tôi kể trước đây, khi tôi chưa làm nghề. Một ngày ông rời khỏi công trường tu bổ Đại nội Huế (ông được mời trông coi việc tu bổ lại kiến trúc thời Nguyễn này vào năm 1972 vì ngày trước ông làm ở Bộ Công) với gương mặt giận dữ vì một công nhân dùng xà beng phá vỡ nền gạch cổ có dấu triện đóng của triều vua... Đến hôm nay, dù trên 40 năm tham gia công việc kiến trúc cổ vẫn lấy việc lắng nghe, học hỏi là chính. Công việc tu bổ không phải là chuyện cũ mà luôn mới khi những phát hiện từ nghiên cứu và thực tế của ngành khảo cổ của các nhà chuyên môn. Cần lắng nghe các tư vấn của họ. Câu chuyện bảo tồn kiến trúc là một hành trình dài về hiểu và làm... mà với tôi một câu nói luôn bên tai: “thái độ ứng xử với di sản là quan trọng nhất!”.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ