Kể chuyện Kế hoạch phản gián CM12
Đại tá Trần Phương Thế (tên thường gọi là Tám Thậm), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, người được phân công thâm nhập vào sào huyệt của tổ chức phản động trong Chuyên án CM12 với tên gọi "Hai Râu", bí danh NKA1.
"Hai Râu" trong sào huyệt tổ chức phản động
Như đã nêu ở các kỳ trước, chiều 15-5-1981, bắt đầu từ tín hiệu sóng điện đài lạ ở khu vực Bãi Ghe, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (gồm Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay), ta triển khai lực lượng, bắt gọn toán xâm nhập, khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm. Đây là toán xâm nhập đầu tiên trong âm mưu của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cùng bọn phản động quốc tế nhằm hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền, Nhà nước Việt Nam. Từ đây, Kế hoạch phản gián CM 12 được thành lập, đồng thời với việc "cài" người vào tổ chức của địch. Người được chọn chính là "Hai Râu"- Tám Thậm- Trần Phương Thế.
"Tôi lúc đó là Đại úy, Trưởng phòng Chống gián điệp, Công an tỉnh Minh Hải, được phân công tiếp xúc để cảm hóa các tên biệt kích còn lại. Trong vòng 5 ngày, tôi đã trò chuyện, cảm hóa được các đối tượng, chúng cam kết không chống phá chính quyền, đứng về phía cách mạng để tiêu diệt các tổ chức phản động", ông Thế kể lại.
Sau đó, theo chỉ đạo của ta, các đối tượng đã gửi điện về "Tổng hành dinh" địch với nội dung: "Đã vào đất liền an toàn, chôn giấu xong vũ khí, anh em đang dựa vào dân để sống. Mới ổn định, cần tiền bạc để sinh hoạt". Nhận được điện, bên kia hẹn liên lạc lại sau và kế đó, ta cũng thả mấy tên đi tàu trở về báo cáo.
Yêu cầu của người để "cài vào" tổ chức của địch phải là người địa phương, thông thạo địa hình, có nghiệp vụ, khôn khéo nhằm linh hoạt đối phó các thủ đoạn của địch. Ông Trần Phương Thế được lựa chọn vì tuy là người địa phương nhưng không nhiều người biết mặt, cải trang thành dân thường, sinh sống ở trong rừng, theo kế hoạch khi toán biệt kích sau thâm nhập, sẽ được ông Thế đưa về nhà nuôi giấu, xây dựng "tổ chức".
Trước khi thực hiện kế hoạch, Bộ trưởng Phạm Hùng đã trực tiếp gặp Tám Thậm để giao nhiệm vụ. Bộ trưởng Phạm Hùng căn dặn: Cháu phải tạo cho được lòng tin đối với Hạnh, Túy và đồng bọn, trong sinh hoạt, ăn nói phải "đúng điệu", giao tiếp hằng ngày cần thận trọng, tránh để chúng nghi ngờ. Đó là vấn đề quan trọng nhất của trinh sát nội tuyến. Yêu cầu thứ 2 là phải nắm được cơ cấu tổ chức và các nhân sự chủ chốt, thành viên nòng cốt của tổ chức phản động. Thứ 3 là nắm được âm mưu, ý định của các nước lớn đối với Việt Nam, thông qua các tổ chức này. Trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này lúc đó có các ông Nguyễn Phước Tân, Hai Tiền (Lê Tiền), nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục An ninh,…
Để hóa trang thành biệt kích, Tám Thậm để râu tóc dài cho khác hẳn hình dáng trước đó, lấy tên mới là Hai Tài. Do râu ria mọc xồm xoàm nên mọi người gọi luôn thành tên "Hai Râu",... Ròng rã nhiều ngày tháng, "Hai Râu" chỉ đạo K64, K61, K59 (bí danh của những biệt kích đã được ta cảm hóa), khảo sát chọn địa điểm vận chuyển, cất giấu hàng hóa, vũ khí, tiền giả, sau đó vẽ sơ đồ chi tiết và làm báo cáo chuyển về "Tổng hành dinh" để bọn chúng yên tâm. Sau đó, "Hai Râu" lên kế hoạch nhằm đưa Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về Việt Nam trực tiếp nắm nội tình, tạo sự tin tưởng.
Với râu ria bụi bặm, dáng vẻ quần áo ăn chơi, Tám Thậm (Hai Râu) "biến hình" thành con người khác để dễ dàng thâm nhập sâu vào lòng địch, nhưng đồng thời cũng gây hiểu lầm, phiền toái đối với anh, nhiều đồng đội, người thân phản ứng dữ dội. Thậm chí, cả dòng họ của anh đã đòi khai trừ anh khỏi dòng họ, không thèm nhìn mặt. Anh không giải thích, chỉ biết nói ngắn gọn với mẹ già "Con không làm điều gì sai quấy, má cứ yên tâm!".
Một đêm đầu tháng 6-1982, sau khi liên hệ với "Hai Râu", hai tàu biệt kích chở C4 (Lê Quốc Túy) và C5 (Mai Văn Hạnh) từ ngoài biển chạy thẳng vào huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải. "Hai Râu" đã không ngại ngần cõng C4 và C5 lội qua sình lầy lên bìa rừng, trở về "mật cứ" an toàn, gây được cảm tình đối với chúng ngay từ lúc đầu gặp gỡ. Tuy nhiên, trong thời gian ở lại "mật cứ", chúng cũng dùng nhiều thủ đoạn, chiêu trò để thử thách "Hai Râu", thậm chí còn chĩa súng vào gáy ông lên đạn để dò phản ứng của ông, nếu thấy nghi ngờ chúng sẵn sàng nổ súng. Sự tinh nhạy nghiệp vụ cũng như cách xử lý tình huống khôn khéo đã giúp "Hai Râu" ngày càng tạo được tin tưởng tuyệt đối đối với chúng.
Sau thời gian Túy, Hạnh gặp gỡ và làm việc với các toán biệt kích trong nội địa an toàn, trước khi trở lại nước ngoài, Túy và Hạnh khen ngợi "Hai Râu" hết mức vì quá chu đáo trong việc chỉ đạo, sắp xếp và phát triển lực lượng "quốc nội", hứa hẹn sẽ đưa ra nước ngoài để huấn luyện cho các toán biệt kích những kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng tổ chức của "Hai Râu". Sau khi trở lại nước ngoài, Túy và Hạnh đều thống nhất nâng cấp hàm từ "Trung tá" lên "Đại tá" cho "Hai Râu", đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng chỉ huy Quân khu A của địch,...
Trong khoảng 3 năm (từ năm 1981 đến 1984), ngoài chuyến thâm nhập đầu tiên, bọn phản động đã thực hiện thêm 17 chuyến xâm nhập bằng tàu biển vào huyện Trần Văn Thời, mỗi chuyến đều mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, cùng hàng trăm tên biệt kích nhưng đều bị lực lượng an ninh của ta tóm gọn. "Đêm 9-9-1984, chuyến xâm nhập thứ 18 do Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá cầm đầu (riêng Lê Quốc Túy bị bệnh nặng không cùng đi được), chở 10 tấn vũ khí từ nước ngoài về điểm tập kết tại Hòn Đá Bạc, xét thấy thời cơ đã chín muồi, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng một cách trọn vẹn, đập tan mưu đồ phá hoại của bọn phản động", Đại tá Trần Phương Thế hồi tưởng.
Lực lượng Công an đã bắt gọn Mai Văn Hạnh, một trong hai thủ lĩnh cầm đầu của tổ chức phản động người Việt lưu vong; bắt và tiêu diệt gần 200 tên biệt kích; thu giữ hơn 143 tấn vũ khí (trong đó có 3.679 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ…); gần 10 nghìn USD, 116 triệu đồng và hơn 10 tấn tiền giả (tổng mệnh giá gần 372 triệu đồng), cùng nhiều tài liệu, các loại thuốc chữa bệnh; 2 tàu xâm nhập, 12 bộ điện đài, mật mã,... Từ lời khai của các đối tượng phản động lưu vong, lực lượng an ninh của ta tiếp tục triển khai triệt phá, bóc gỡ 10 tổ chức phản động trong nước, bắt hơn 1.000 tên còn lén lút hoạt động.
Kết thúc Kế hoạch CM12, một số đồng chí có công lao đóng góp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên khen ngợi. Ông Trần Phương Thế được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hòn Đá Bạc nằm tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) đã được Bộ Công an chọn là nơi đặt tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc và được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Các nhà tổng kết lịch sử của lực lượng Công an nhân dân đã đánh giá, Kế hoạch CM12 là một trong những trận đánh tốt nhất, hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng Công an nhân dân kể từ sau ngày giải phóng đến nay. Đây là thắng lợi của trí tuệ, của bản lĩnh và sự sáng tạo tuyệt vời của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Chiến thắng của Kế hoạch phản gián CM 12 là trận thắng rất đẹp và hoàn hảo. Ta không tốn hao một giọt máu nào nhưng vẫn bắt sống được toàn bộ toán gián điệp, sử dụng biện pháp nghiệp vụ bịt kín cả tai mắt "Tổng hành dinh" của địch ở hải ngoại. Có được chiến thắng ngoạn mục trong ván cờ thú vị này, vấn đề cốt lõi là ta đã có những "quân cờ chiến lược" như Tám Thậm và Mười Lắm (Thiếu tướng Hồ Việt Lắm), luồn sâu vào đối phương để nắm bắt ý đồ của địch, che mắt và điều khiển chúng phải đi theo lộ trình vạch sẵn của ta.
N.D
Dòng sự kiện:Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc
Truy tố bị can Trần Đình Triển
Phạt TikToker Phạm Đức Tuấn 30 triệu đồng vì xúc phạm danh nhân
Phản bác luận điệu xuyên tạc công cuộc cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Xử phạt đối tượng đăng tải nội dung xuyên tạc, xúc phạm đến lực lượng Công an
Quảng Nam, khởi tố đối tượng xúc phạm lãnh tụ