Kể chuyện tập thơ "Huyền Thoại Cửa Tùng"

Thứ tư, 11/05/2016 09:13

(Cadn.com.vn) - Quê ngoại tôi ở làng biển Thử Luật, xã Vĩnh Thái, H. Vĩnh Linh, Quảng Trị. Thời Pháp, từ vùng biển Vĩnh Linh ra Quảng Bình các tên làng đều có chữ "luật": Tùng Luật, Thử Luật, Liêm Luật, Thượng Luật, Hòa Luật Nam, Hòa Luật Bắc... Sau này cách mạng đặt tên khác, dần dần sách vở không chép những tên làng rất hay và cổ xưa ấy nữa. Nhưng trong tâm khảm người dân truyền đời này qua đời khác, những tên làng ấy vẫn tồn tại. Tôi đã làm rất nhiều thơ về quê ngoại Quảng Trị. Sau năm 1975, kết thúc chiến tranh, tôi ra quân, được theo Quốc lộ 1A qua cầu Hiền Lương như ao ước hồi hành quân vượt Trường Sơn, xúc động lắm. Những năm đó tôi bắt đầu làm thơ về Vĩnh Linh, về Lao Bảo, Khe Sanh, Diên Sanh, về thị xã Quảng Trị, Đông Hà. Dấu ấn đậm nét nhất trong đời văn chương của tôi là tập thơ Huyền thoại Cửa Tùng.

Biển Cửa Tùng .

Năm 2004 là năm kỷ niệm 50 năm Hiệp định Genève. Tôi đoán tỉnh Quảng Trị, H. Vĩnh Linh sẽ tổ chức sự kiện này rất trọng thể. Tôi nghĩ mình phải góp một cái gì cụ thể. Tức là phải có một tập thơ về quê ngoại, vì đã xuất bản hai tập Chân sóng và Đứa con của cát viết về quê nội rồi. Tôi không quen làm thơ tụng ca ngày kỷ niệm hay sự kiện nào cả. Thơ  tôi là thơ về  số phận con người, thân phận quê hương. Kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Vĩnh Linh, Quảng Trị thôi chia cắt, tôi tập hợp những bài thơ lâu nay về quê ngoại là được.

Tập thơ gồm 30 bài thơ, 95 trang in. Không ngờ tập thơ đã gây được ấn tượng đối với người đọc. Vì thơ tâm huyết, thơ xúc động, nên được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Về Vĩnh Nam, Vĩnh Tú nghe kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng, tôi viết cả  bút ký "Làng nói trạng" và cả thơ: Một củ khoai phải luộc đến năm nồi /Chuyện như chẳng thể nào tin được/ Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng nắm đất/Hiểu thêm nhiều sự thật lạ lùng hơn..." (Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng). Qua cầu Hiền Lương sau năm 1975, nghe câu hát ru con Ước gì sông rộng tày gang/ cầu giả yếm cho chàng sang chơi cất lên trên một con đò trên sông Hiền Lương, tôi xúc động mất mấy ngày: ...Chiều nay trở lại Hiền Lương/ nghe câu hát cũ chạnh thương nắng vàng / ôi, điều ước nhớ non mang/ ẩn trong câu hát quá giang ngày thường (Qua cầu Hiền Lương nghe câu hát cũ)

Đi trại viết Cửa Tùng năm 1982, tôi viết được bài thơ dài Huyền thoại Cửa Tùng với rất nhiều thi ảnh cảm động:

Quê hương ơi

Cửa Tùng Vĩnh Quang Cát Sơn Thủy Bạn

gió lạnh bên này bên ấy tìm chăn

dòng sông hẹp chỉ còn bước nhảy

người tìm sang và cát tìm sang

hai mươi năm sông thành máu chảy

biển lập lòe lửa nhang sám hối

(Huyền thoại Cửa Tùng )

Nhưng thơ không xúc động bằng tấm lòng của người Vĩnh Linh, Quảng Trị đối với tập thơ này. Khi sắp đem tập thơ đi in, tôi kể chuyện sẽ in tập thơ viết về quê ngoại, anh Phùng Thế Ủy hào hứng nhét vào túi tôi một ít tiền "để  góp chút hỗ trợ"; anh bạn thân Nguyễn Văn Dùng cũng ép tôi nhận tiền hỗ trợ in tập thơ. Anh bảo: "Vĩnh Linh, Quảng Trị là quê tui, anh viết về quê tui thì tui phải góp một tay. Không được từ chối! Bạ ni là lương của tui". Tập thơ Huyền thoại Cửa Tùng, lúc đầu in 500 cuốn.

Tôi dành 200 cuốn để tặng bạn bè, còn 300 cuốn đưa cho chú em ruột Ngô Minh Phục (đã mất năm 2013) ở Cam Lộ đi bán để giúp chú có thêm tiền nuôi con. Phục bán hết vèo 300 cuốn trong vòng một tháng. Phục vào Huế bảo tôi anh nên in thêm gần nghìn cuốn nữa, đang nhiều người hỏi mua. Hồi đó tôi tặng anh Nguyễn Hữu Thắng, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh một cuốn. Vì Thắng cũng là người làm thơ hồi chung tỉnh Bình Trị Thiên, ký bút danh là Nguyễn Hoài Chung. Anh đọc và xúc động, là bí thư huyện ủy, anh hiểu giá trị tập thơ trong đời sống của người Vĩnh Linh, nên đã gọi "người bán sách rong" Ngô Minh Phục đến  bảo cố gắng phát hành về tận các xã, trường học.

Hữu Thắng ký cho cái giấy giới thiệu. Nhờ cái giấy có  chữ ký của Bí thư huyện ủy, người đọc tin hơn, mua sách nhiều hơn. Thế là bán sách hết vèo trong vòng hai tháng. Cho đến tháng 7-2004, kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris, 1.200 cuốn thơ Huyền thoại Cửa Tùng đã trong tay người đọc. Thơ tác giả tự xuất bản mà phát hành được số lượng như thế là "đáng đồng tiền bát gạo" lắm! Cuốn thơ đó cũng mang lại "hiệu quả kinh tế" cho tôi vì hai lần được giải thưởng.

Chất lượng, giá trị thơ các nhà phê bình đánh giá. Riêng tôi, tập thơ là tấm lòng sắt son của tôi với quê ngoại. Năm 2005, tập thơ ấy được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2009, tỉnh TT-Huế xét giải thưởng Cố Đô lần thứ Tư. Tôi không có  tác phẩm nào viết về Huế trong thời gian quy định giải thưởng 5 năm, ngoài tập thơ Huyền thoại Cửa Tùng. Nhưng tập thơ lại viết về Quảng Trị, không phải TT-Huế. Nhưng vì thấy thơ thật, thơ tâm đắc, nên tôi cứ gửi. Thế mà dính giải. Chứng tỏ Hội đồng Nghệ Thuật của TT-Huế  không "cục bộ", cứ hay là tặng giải! Kể câu chuyện này để khẳng định sự đánh giá tốt và ủng hộ tập thơ của anh Nguyễn Hữu Thắng, anh Nguyễn Văn Dùng, anh Phùng Thế Ủy trước đó là chính xác, khánh quan. Là vì thơ, vì quê hương!

Có chuyện hy hữu. Mới đây, tháng 11- 2015, có một cô giáo tên là Đào ở Trường phổ thông cơ sở (hay tiểu học?) Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, qua Facebook, đề nghị tôi tặng cho cô tập thơ Huyền thoại Cửa Tùng. Cô bảo: "Em đã đọc ở thư viện trường em rồi. Nhưng em muốn trong tủ sách nhà em có cuốn thơ đó!". Tôi rất xúc động. Đã hơn 10 năm tập thơ ra đời rồi, mà còn có người nghĩ về nó, muốn có nó. Vì chỉ còn một cuốn lưu, nên tôi phải đi photo rồi đóng thành sách, bìa thì in màu, để tặng cô giáo Đào, y chang sách mới xuất bản.

Vâng, đó là ân huệ của cuộc đời đối với thơ. Cái ân huệ mà quê ngoại đã dành cho tôi trên con đường văn chương thăm thẳm...

Ngô Minh