Kể chuyện tình yêu cùng hòn Trống Mái

Thứ tư, 27/03/2019 12:00

Trong mùa du lịch 2019, du khách khi đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ được dự lễ hội tình yêu hòn Trống Mái. Lễ hội được tổ chức lần đầu nhằm nhắc nhớ truyền thuyết về hòn Trống Mái, ngợi ca lòng thủy chung của tình yêu đôi lứa... Thanh Hóa có biết bao di tích lịch sử, thắng cảnh tôi đã từng ghé qua: Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Phủ Trịnh, Suối cá thần Cẩm Lương... nhưng đến nay tôi mới ghé hòn Trống Mái ở bãi biển Sầm Sơn. Như nhiều người khác, tôi biết đến hòn Trống Mái qua một tác phẩm văn học lãng mạn của nhà văn Khái Hưng. Trong chuyện "Trống Mái" của ông lấy bối cảnh nơi này để kể về câu chuyện tình lãng mạn của một cô gái Hà Nội tên Hiền đi du lịch đến nơi này gặp và yêu anh chàng nhà quê tên Vọi. Thế nhưng mối tình ấy chẳng đi đến đâu. Kết thúc câu chuyện là khi Hiền trở lại, Vọi đã qua đời nhưng trên hòn Trống Mái có ghi chữ tắt V.H tên của hai người để lưu giữ kỷ niệm về tình yêu...   

Du khách tham quan Hòn Trống Mái.

Câu chuyện ấy nhà văn Khái Hưng viết từ năm 1936. Không biết hòn Trống Mái thu hút du khách có phải từ tác phẩm này hay không? Nhưng có thể chắc chắn chính chất lãng mạn của câu chuyện khiến nhiều người biết đến hòn Trống Mái hơn cả mọi cách quảng bá. Hòn Trống Mái ngày Hiền gặp Vọi hẳn hãy còn hoang sơ và vắng bóng người, còn bây giờ biển Sầm Sơn trở thành khu vực du lịch hấp dẫn, hàng quán giăng đầy, khách sạn, nhà nghỉ khắp nơi, còn bãi biển thì cơ man nào là người đi tắm biển. Có thể biển Sầm sơn không đẹp như biển Nha Trang, nhưng đối với miền Bắc thì nơi đây vô cùng hấp dẫn và có sức thu hút. Chúng tôi tới biển Sầm Sơn và đi tìm hòn Trống Mái. Ở đây, có nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sự tích hòn Trống Mái. Mỗi câu chuyện đều có cốt tích khác nhau, nhưng tựu trung đều ca ngợi lòng thủy chung của tình yêu đôi lứa và đạo nghĩa vợ chồng...

Biển Sầm Sơn ken kín người. Xe đi qua những nhà hàng, những dòng người rồi vào con đường có hai hàng bạch đàn tỏa bóng. Đi bộ một tí đã thấy hòn Trống Mái. Nơi này là một phần của dãy núi Trượng Lệ, thoai thoải cao. Ba tảng đá tạo nên một thắng cảnh. Một hòn lớn nằm bằng phẳng phía dưới như chiếc bệ, một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên tựa như con gà trống, một hòn nhỏ đối diện có dáng như con gà mái. Độ cao từ dưới lên trên chừng 5m. Đi vòng phía sau và cả phía trước cũng có rất nhiều tảng đá sắp đặt ngẫu nhiên, cùng một màu đen xám. Du khách tới thật đông và họ tìm cách leo lên để chụp một tấm ảnh kỷ niệm.

Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận Hòn Trống Mái là di tích, danh thắng cấp quốc gia nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh thắng núi Trường Lệ. Ngày nay, đã tới Sầm Sơn không thể không ghé nơi này. Và cứ hai năm một lần- nơi này diễn ra lễ hội kể chuyện tình yêu. Leo lên tận nơi hai hòn đá Trống và Mái như mỏi mòn chờ đợi chạm vào nhau ấy, tôi lại hình dung ra mối tình đầy khờ khạo của anh chàng Vọi ở vùng biển Sầm Sơn với cô tiểu thư tên Hiền.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG