(Cadn.com.vn) - Kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 12-2006, Tổng thống Mexico Felipe Calderon mở đợt tổng tấn công mạnh mẽ vào các hang ổ tội phạm ma túy. Ông Calderon đã sa thải hàng trăm cảnh sát và quan chức tham nhũng, bắt giữ gần 100 tên tội phạm buôn ma túy cao cấp và huy động 40.000 binh sĩ chống lại các băng đảng ma túy khắp cả nước. Tuy nhiên, bạo lực ma túy vẫn như bóng ma ám ảnh đất nước này. Kể từ đó đến nay, vẫn có hàng chục ngàn người chết liên quan đến bạo lực ma túy ở nước này.
Mỹ thừa nhận mình cũng có phần trách nhiệm trong tình trạng hỗn loạn vì ma túy tại Mexico. Washington mở hầu bao. Mỹ hào phóng bởi lẽ chính Nhà Trắng đã châm ngòi nổ cho cuộc chiến đẫm máu này.
Ký ức 27 năm
27 năm trước đây, vụ bắt cóc, tra tấn và giết chết một đặc vụ của Cục Quản lý dược Mỹ (DEA) do những kẻ buôn ma túy Mexico gây ra đã chính thức mở ra một trong những vụ săn lùng gắt gao và lớn nhất của chính phủ Washington ở Bắc Mỹ. Vụ truy nã này cũng cảnh báo những hậu quả đáng lo ngại sắp xảy ra.
Bức tranh tuyệt đẹp của thành phố Guadalajara ở Mexico vẫn thế. Những trung tâm mua bán luôn nhộn nhịp với cuộc sống thường nhật. Vào ban đêm, Mariachis - một loại hình âm nhạc truyền thống lâu đời của Mexico – vang lên tạo sức hút kỳ lạ cho du khách. Nhìn bên ngoài, bạo lực ma túy không hề ảnh hưởng đến cuộc sống ở đây trong thời gian qua. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Năm 1985, Guadalajara chính là cơ sở hoạt động đầu não cho hầu hết những kẻ buôn lậu ma túy lớn ở Bắc Mỹ, ông James Kuykendall - đứng đầu văn phòng Guadalajara của DEA thời đó cho biết. Nhiều người trong số những kẻ buôn ma túy từ khắp các tỉnh thành của Mexico, đặc biệt là bang Sinaloa, đã di cư đến Guadalajara vì vị thế chính trị ở nơi đây.
Bọn chúng tung hoành, gây ra nỗi khiếp sợ cho người dân. Và nạn nhân người nước ngoài xấu số đầu tiên là một trong số đặc vụ của DEA, ông Enrique “Kiki” Camarena. Ông Camarena, 37 tuổi, là người Mỹ gốc Mexico. Người cha của 3 đứa con này đã tham gia một số công việc bí mật, như đóng giả là một khách hàng lớn của những kẻ buôn ma túy để tìm hiểu thêm nhiều thông tin về chúng. Camarena đặc biệt thông thạo vai trò này. “Công việc bí mật chủ yếu là để tìm ra kẻ cầm đầu, các loại và số lượng ma túy mà chúng đang kinh doanh... Các đại diện khác đều làm như thế, nhưng Camarena làm tốt hơn. Nhưng thật không may, chính sự nhiệt tình công việc đã giết chết ông”, ông Kuykendall nói.
 |
Cảnh sát Mexico bắt giữ một nghi phạm ma túy. Ảnh: Reuters |
Săn lùng
Ngày 7-2-1985, Enrique Camarena bất ngờ bị những kẻ lạ mặt bắt cóc vào một ô-tô khi đang đi đến gặp vợ để cùng ăn trưa. Lúc đó, ông chỉ còn một tháng làm nhiệm vụ ở Mexico trước khi chuyển về San Diego, Mỹ. Nhưng ông không bao giờ có được cơ hội đó nữa. “Tôi linh cảm một điều tồi tệ đã xảy ra”, ông Kuykendall nhận định ngay sau khi vợ của Camarena gọi điện thông báo ông đã mất tích.
Ngay sau đó, chính quyền Tổng thống lúc bấy giờ Reagan đã mở một cuộc truy lùng quy mô lớn để tìm kiếm ông Camarena và cả Alfredo Zavala Avelar – một phi công người Mexico làm việc cho DEA cũng biến mất cùng ngày với Camarena. Chính quyền Reagan đặt áp lực rất lớn đối với chính phủ Mexico là bằng mọi giá phải cứu được các nạn nhân. Cục Hải quan Mỹ tiến hành những kế sách chưa từng có trong tiền lệ, trong đó có việc đóng cửa biên giới với Mexico. Vì việc này, mậu dịch thương mại qua biên giới hai nước giảm hẳn, quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Tất cả các cơ quan lớn nhỏ ở Mỹ đều đến Guadalajara để giải quyết vụ bắt cóc. DEA lúc đó trở thành một “cơn bão ngoại giao” trong quan hệ Mỹ - Mexico. Nhưng, thật không may mắn cho Kiki Camarena.
30 ngày sau khi bị bắt cóc, thi thể của ông Camarena cùng với viên phi công người Mexico, được tìm thấy ở tiểu bang Michoacan của Mexico. Cả hai thi thể bị vứt tại lề đường và có dấu hiệu bị tra tấn.
“Chiến dịch Leyenda”
Đến lúc này, câu hỏi làm đau đầu giới chức Mỹ là phải tìm cho ra những kẻ giết người.
DEA mở một cuộc điều tra lớn chưa từng có trong lịch sử mang tên “Chiến dịch Leyenda”. Sau đó, 3 nghi phạm được xác định đã ra lệnh bắt cóc và giết người chính là 3 thủ lĩnh của băng nhóm quyền lực Guadalajan gồm: Ernesto “Don Neto” Fonseca; Miguel Angel Felix Gallardo và Rafael Caro Quintero. Fonseca bị bắt vào tháng 4-1985 còn Quintero trốn sang Costa Rica sau cáo buộc hối lộ một nhân vật cao cấp trong ngành cảnh sát Mexico. Quintero cuối cùng bị bắt giữ trong một chiến dịch nghe trộm điện thoại sau đó không lâu. Còn Gallardo trốn tránh mãi cho đến năm 1989 mới bị bắt. Mặc dù cả 3 ông trùm bị bắt, vẫn có những điều khiến lãnh đạo DEA lúc bấy giờ bị dày vò.
Đối với nhiều nhà phân tích, việc đặc vụ Camarena bị giết chết đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy ở Mexico. Trước tiên, nó đã phá vỡ băng nhóm ma túy hoành hành Guadalajara. Tuy nhiên, nhóm này đã tách ra từng nhóm nhỏ, thành lập các tổ chức ma túy quyền lực hơn hiện nay. Trong số đó có băng nhóm Sinaloa, do một đệ tử cũ của Felix Gallardo là Joaquin “El Chapo” Guzman dẫn đầu. Guzman hiện đang được coi là ông trùm ma túy mạnh nhất và là kẻ bị truy lùng gắt gao nhất thế giới. Thứ hai, quan trọng hơn, là vụ án này đã đánh dấu một nấc thang mới trong các hoạt động dã man của các băng đảng ma túy. Bọn chúng ngày càng hoạt động táo tợn hơn và việc bắt cóc, giết chết một người là điều dễ như trở bàn tay.
Theo chuyên gia Kuykendall, mức độ bạo lực gia tăng hiện nay ở Mexico chỉ đơn giản là những bằng chứng cho thấy, những bài học từ giữa những năm 1980 không bao giờ được lặp lại. “Đó là bi kịch. Bạo lực đã biến một đất nước xinh đẹp thành một nơi mà mọi người sợ ra khỏi nhà và sợ đi du lịch. Đó không phải là Mexico”, ông Kuykendall nói.
Thanh Văn (Theo BBC)