Kẻ phá hoại Cuba và quá khứ bị giải mật của CIA

Thứ sáu, 17/11/2017 09:55

Báo Miami Herald ngày 16-11 cho rằng, các tài liệu giải mật của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho thấy rõ về cuộc đời “đa mưu, đa mang” của Luis Posada Carriles - một người Cuba lưu vong và là cựu binh sĩ trong chiến dịch phá hoại chính phủ Cuba của Mỹ. Ông ta bị La Havana cáo buộc chủ mưu vụ đánh bom máy bay Cuba năm 1976 và đánh bom các khách sạn ở La Havana năm 1997.

Trong bức ảnh chụp năm 2005, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro an ủi Carlos Alberto Cremata, con trai một trong những nạn nhân vụ đánh bom máy bay Cubana Airlines năm 1973, trong buổi lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm 73 người thiệt mạng. Ảnh: AP

Ông ta là người cung cấp thông tin của CIA. Chính CIA đã đào tạo ông ta và sử dụng ông ta trong các kế hoạch để lật đổ Lãnh tụ Cuba Fidel Castro, cũng như tuyển các gián điệp người Cuba khác. Nhưng ông ta bị xem là “thành phần nguy hiểm” đến nỗi cơ quan này phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ. Và khi một máy bay của hãng hàng không Cubana Airlines nổ tung trên không trung vào giữa năm 1976, giết chết 73 người trên khoang, chính phủ Cuba cáo buộc tội cho ông ta, trong khi CIA lo lắng, mối quan hệ của ông ta với Mỹ sẽ bị lộ. 

Đó là bức chân dung về Luis Posada Carriles, hay còn gọi là “Bambi”, xuất hiện trong hồ sơ bí mật của CIA vừa được giải mật như là một phần của hàng loạt các tài liệu liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy. Các tài liệu về Posada được tờ El Nuevo Herald đánh giá cung cấp nhiều chi tiết mới về các mối liên hệ giữa ông ta với CIA cho đến năm 1976.

Những âm mưu khủng bố

Các tài liệu mới cho thấy, CIA đã xem các kế hoạch lật đổ nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro của Posada là hành động khủng bố và theo dõi Posada ngay cả khi ông ta ở trong DISIP, nơi CIA có các gián điệp khác.

Trong tài liệu có tên “Những kế hoạch khủng bố của những người Cuba lưu vong”, vào tháng 7-1977, CIA thông báo cho FBI và quân đội Mỹ về một cuộc họp ở Cộng hòa Dominica giữa Posada, Bosch và Juan Armand Montes, một người Mỹ gốc Cuba trong quân đội Mỹ. Montes đã đến Santo Domingo xin lưu vong và muốn Mỹ giúp “cuộc thập tự chinh” chống lại chính quyền ông Castro. Theo mô tả, Bosch là “thủ lĩnh khủng bố của những người Cuba lưu vong”.

Một đại tá quân đội Dominica đã nói tại cuộc họp báo rằng, mục tiêu của họ là để thảo luận về “các âm mưu khủng bố” như đánh bom máy bay Cuba và tại các cơ quan ngoại giao Cuba; phá hoại các tàu Cuba và Liên Xô; bắt cóc đại sứ Cuba tại LHQ và ám sát quan chức cao cấp của Cuba ở Lisbon – ông Carlos Rafael Rodriguez. CIA cũng biết, Posada và Bosch chuyển hàng loạt lô vũ khí cho các lực lượng nổi dậy ở Guyana năm 1969 cũng như vai trò của họ trong nỗ lực lật đổ chính phủ Guatemala và trong một số âm mưu ám sát Lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Cơ quan tình báo Mỹ cũng nhiều lần nghĩ đến việc phá vỡ mối quan hệ với Posada. Năm 1968, CIA tuyên bố Posada là nguồn “thù địch” và buộc ông thử với máy dò nói dối vì nghi ngờ ông tiếp xúc với tình báo Cuba và các nhóm xã hội đen. Cuối cùng, CIA lại kết luận, ông ta “là một nguồn tin cực kỳ giá trị và chính xác”, theo một tài liệu năm 1971. Tuy nhiên, CIA cuối cùng đã phá vỡ mối liên kết với Posada.

Posada bị sa thải tại DISIP vào năm 1974. Lý do sa thải: mất quyền tiếp cận các nguồn tin. Tuy nhiên, trên thực tế, các quan chức của CIA đã đề nghị phá vỡ hoặc cắt giảm mối quan hệ với Posada kể từ năm 1973 do mối liên hệ của ông ta với những kẻ buôn bán ma túy.

Những cáo buộc buôn bán ma túy

Posada bị phát hiện tại Miami cùng với Andres Purrinos và những kẻ buôn bán ma túy khác vào tháng 3-1973, theo một tài liệu của CIA dựa trên thông tin từ Cục Ngăn ngừa Ma túy Nguy hiểm của Mỹ (BNDD), hiện được gọi là Cục Quản lý Ma túy.

“Tiếp xúc với những người này, CIA nghi ngờ Posada là kẻ buôn ma túy...”, tài liệu nói thêm. Theo điều tra của BNDD, Posada buôn bán ma túy từ Colombia đến Venezuela và Miami, cũng như buôn bán đồng hồ bị mất cắp và phân phối tiền giả. CIA ban đầu xem xét bảo vệ Posada, gián điệp có mật mã là WKSCARLET-3. “Mặc dù thông tin trên cho biết WKSCARLET-3 liên quan đến trường hợp này, CIA cần cứu hộ và chúng ta nên cố gắng làm như vậy”, một văn bản ghi nhận. Nhưng các quan chức khác cho biết, Posada đặt ra một vấn đề nghiêm trọng cho cơ quan này. Nếu các cáo buộc là đúng, họ đề nghị CIA nên cắt tất cả các mối quan hệ với ông ta.

Posada đã vượt qua cuộc kiểm tra máy dò nói dối vào tháng 5-1973 nhưng CIA vẫn quyết định sa thải ông ta. Mối quan hệ hai bên chính thức chấm dứt vào ngày 13-2-1976, khi cơ quan này giải quyết các vấn đề về tiền bạc với ông ta. Mức lương cuối cùng của ông ta là 466,62 USD. Hồ sơ CIA của Posada bị liệt vào “danh sách đen”, trong đó có đề nghị không sử dụng lại ông ta. Lần cuối cùng Posada liên lạc với cơ quan này là trước khi xảy ra vụ đánh bom nhằm vào máy bay Cubana Airlines vào ngày 22-6-1976, khi ông ta yêu cầu CIA trợ giúp để có được thị thực Mỹ cho ông ta và vợ. Tuy nhiên, CIA đã từ chối.

 Một thành viên của Đội chuyên gia hàng không Cuba nhảy xuống khỏi tàu tuần tra của Lực lượng tuần tra bờ biển Barbados vào ngày 7-10-1976, tìm kiếm những mảnh vỡ của máy bay Cubana Airlines gặp nạn. Ảnh: AP

Vụ đánh bom máy bay Cubana Airlines

Nhưng nếu CIA nghĩ rằng đã thoát khỏi vấn đề, thì quả bom đã giết chết 73 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay của Cubana Airlines ngay sau khi cất cánh từ Barbados vào tháng 10-1976 đã làm phức tạp hơn nữa mối quan hệ với Posada.

Hernan Ricardo Lozano và Freddy Lugo bị bắt giữ ở Trinidad và Tobago, chính là những kẻ đánh bom trong vụ này. Nhưng các nhà chức trách Venezuela đã bắt Posada và Bosch với vai trò là những kẻ chủ mưu. Khi CIA bắt đầu điều tra vụ việc này, cái tên Posada khiến họ lo ngại. Một bản thông báo của CIA hồi tháng 10-1976 cho biết: “Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại về việc bắt giữ WSCARLET-3 và khả năng liên quan vụ đánh bom”.

CIA sau đó có bằng chứng buộc tội Posada liên quan đánh bom, nhưng coi đó là “một tình huống phát sinh”. Một thông tin bí mật khác vào tháng 10-1976 cho thấy, một nhân viên CIA trong DISIP báo cáo rằng, “bằng chứng liên quan đến 201-300985 (Posada) trong vụ đánh bom máy bay bao gồm hóa đơn thanh toán hàng không bị tịch thu tại các văn phòng của ICICA -  một Cty tai mắt của Posada ở Caracas vào thời điểm đó. “Vé máy bay đã được Ricardo sử dụng. Một vài ngày sau vụ đánh bom, CIA nhận được thông tin về những lời mà Posada đã nói trong một bữa ăn tối: “Chúng ta sẽ tấn công máy bay Cuba” và “Orlando (Bosch) có những chi tiết về vụ này”.

Dựa trên báo cáo của CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận, Posada dường như là “người đã lên kế hoạch đánh bom” máy bay của Cubana Airlines. Một tòa án quân sự ở Venezuela tuyên vô tội cho Posada, Bosch, Lugo và Ricardo, nhưng một tòa án cao hơn đã lật ngược bản án. Một phiên tòa dân sự sau đó khẳng định Bosch không có tội. Lugo và Ricardo bị kết án. Posada, dù bị xét xử và tha bổng hai lần liên quan đến vụ đánh bom máy bay, y cũng phải chịu án tù 4 năm ở Venezuela. Tuy nhiên, ông ta đã trốn khỏi nhà tù này vào một đêm tháng 8-1985 bằng cách hối lộ cho các nhân viên cai ngục.

Posada hiện đã 90 tuổi và sống ở quận Miami-Dade, thuộc tiểu bang Florida. Ông ta đang điều trị ung thư vòm họng và vào năm 2015 bị gãy xương trong một vụ tai nạn ô-tô.

KHẢ ANH