CHỦ TỊCH UBND TỈNH QUẢNG NAM ĐINH VĂN THU:

Kết cấu hạ tầng là điều kiện quyết định để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp

Thứ bảy, 27/06/2015 09:32

(Cadn.com.vn) - Năm 2015 là năm “bản lề” của Quảng Nam với sự kiện chính trị quan trọng là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020. Nhiệm kỳ này, Quảng Nam tiếp tục thực hiện những mục tiêu, đường lối cụ thể nhằm huy động tiềm lực, ưu tiên đột phá vào những dự án chiến lược, tạo nên những "quả đấm thép" có sức lan tỏa mạnh để phát triển KT-XH, phấn đấu đưa Quảng Nam cơ bản xây dựng nền tảng vững chắc để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhân dịp này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu 

P.V: Trên cương vị  tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông có những đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện chiến lược đưa Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trong thời gian qua?

Ông Đinh Văn Thu: Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mục tiêu, giải pháp để đưa Quảng Nam cơ bản xây dựng nền tảng thành tỉnh công nghiệp, trong đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) là nhiệm vụ trọng tâm. Thực tiễn cho thấy, xây dựng KCHT đồng bộ là điều kiện thiết yếu, là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, nâng cao đời sống nhân dân, là điều kiện quyết định để Quảng Nam phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong những năm qua, việc xây dựng KCHT trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nguồn lực đầu tư phát triển KCHT được huy động ngày càng đa dạng; ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ chốt, các nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, nhân dân đóng góp... để phát triển KCHT ngày càng tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua (2011-2015) tăng bình quân hơn 10%, trong đó chủ yếu được sử dụng vào phát triển KCHT. Nhờ đó, KCHT trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và mở rộng.

Các tuyến đường giao thông cơ bản được nâng cấp, xây dựng mới, từng bước giải quyết các nhu cầu về giao thông. Cụ thể là hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1A; đền bù, giải phóng mặt bằng để T.Ư đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua Quảng Nam; phát triển, khớp nối hệ thống giao thông ven biển; liên kết các tuyến liên vùng giữa miền núi và đồng bằng; hoàn thành xây dựng các đường ô-tô đến trung tâm xã; phát triển mạnh hệ thống bê-tông hóa giao thông nông thôn,... Những kết quả trên đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn, thành thị, đảm bảo QP-AN và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trong những năm tiếp theo, hệ thống KCHT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu khớp nối và đồng bộ, chưa đầu tư trọng tâm, trọng điểm; một số dự án sử dụng kém hiệu quả, nhất là hạ tầng tại một số cụm công nghiệp, gây lãng phí đất đai, tài nguyên. Mạng lưới giao thông còn một số điểm nghẽn đối với việc phát triển các vùng, các khu vực.

Các công trình trọng điểm, có tính quyết định đối với việc khai thông phát triển những vùng có tiềm năng lớn chưa được tập trung đầu tư, hoặc triển khai chưa đúng tiến độ, làm chậm quá trình phát triển chung của tỉnh. Hạ tầng các khu công nghiệp, nhất là hạ tầng kết nối bên ngoài khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư. Hạ tầng giáo dục, văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ, thông tin... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong những năm đến. Hạ tầng khu vực nông thôn tuy đã được quan tâm, đầu tư nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng các yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

P.V: Vậy thưa ông, những hạn chế, bất cập trên nguyên nhân do đâu?

Ông Đinh Văn Thu: Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do công tác quy hoạch còn bất cập, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo dài hạn. Trong đầu tư, có mặt chưa đồng bộ, thiếu kết nối, dàn trải, chưa đi sát yêu cầu phát triển KT-XH; chưa mạnh dạn ưu tiên đầu tư các công trình có tính đột phá nhằm khai thác lợi thế so sánh, phát triển các vùng tiềm năng. Công tác quản lý và thực hiện phân cấp quản lý đầu tư chưa tốt, một số công trình chất lượng kém, hiệu quả đầu tư thấp, suất đầu tư cao. Công tác khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa,... các công trình còn yếu.

Ngoài nguyên nhân chủ quan trên, về mặt khách quan, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, nguồn lực T.Ư bố trí phát triển KCHT trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển đột phá về hạ tầng, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước giảm sút... dẫn đến nhiều công trình thiếu vốn trầm trọng, phải giãn tiến độ, dừng triển khai hoặc thay đổi hình thức đầu tư... Những khó khăn trên đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai xây dựng hệ thống KCHT trên địa bàn tỉnh.

Ngành công nghiệp cơ khí ô-tô được xem là "quả đấm thép" phát triển KT-XH Quảng Nam.

P.V: Vậy mục tiêu, định hướng phát triển KCHT trong những năm tiếp theo như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Văn Thu: Phát triển hệ thống KCHT là sự nghiệp lớn, có tính lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân, của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Do vậy cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia vì lợi ích chung, trước hết trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư trong triển khai, căn cứ vào nguồn lực để phân kỳ đầu tư và có trọng tâm, trọng điểm; phải ưu tiên những dự án chiến lược, tạo đột phá, có tác động lan tỏa và góp phần nhanh chóng khai thác được tiềm năng phát triển của tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý đầu tư, giảm cơ chế xin – cho, quản lý đầu tư, khai thác, sử dụng công trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo Luật Đầu tư công. Tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, từng bước hình thành hệ thống KCHT đồng bộ, nhằm mục tiêu phát triển KT-XH nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo QP-AN, nâng cao đời sống nhân dân.

P.V: Ngoài kết cấu hạ tầng, theo ông những ngành mũi nhọn nào sẽ là động lực bứt phá để Quảng Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu trên?

Ông Đinh Văn Thu: Quảng Nam có Khu công nghiệp cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải. Đây là nơi tập trung những công nghệ và kỹ thuật của toàn bộ các sản phẩm ô-tô do THACO tạo ra. Với những lợi thế mà Khu kinh tế mở Chu Lai mang lại, cùng với quá trình đầu tư dài hạn, bài bản, khu công nghiệp cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải trở thành điểm sản xuất tập trung cao nhất cho ngành cơ khí ô-tô.

Tất cả những điều kiện tại đây đều tạo nền tảng tốt nhất cho việc phát triển ngành cơ khí ô-tô, mà đi đầu là các sản phẩm và linh kiện ô-tô do THACO sản xuất và lắp ráp. Do vậy, công nghiệp cơ khí ô-tô được xem là mũi nhọn của ngành công nghiệp tỉnh. Thực tế cho thấy, năm 2014, THACO đã đóng góp ngân sách 6.163 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách tỉnh đến 4.993 tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2013).

Ngoài ngành trên, dệt may cũng được xem là thế mạnh của Quảng Nam. Những năm gần đây, ngày càng nhiều cơ sở dệt may hình thành ở các vùng nông thôn Quảng Nam. Trong 2 năm qua, khi Quảng Nam ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), đã có thêm những nhà máy may quy mô lớn được xây dựng ở Thăng Bình, Hiệp Đức, Phú Ninh... Hiện cả tỉnh có 91 doanh nghiệp may công nghiệp với 564 chuyền may và gần 1.600 hộ cá thể chuyên nghề dệt vải, dệt may đang giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động. Đặc biệt, đầu năm 2015, Khu liên hợp các nhà máy sợi - dệt - nhuộm - may tại xã Hương An (Quế Sơn) do VINATEX đầu tư trên tổng diện tích hơn 20ha, vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Qua đó, ngành dệt may góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hiện Quảng Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dệt may lớn của cả nước.

Quảng Nam sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô-tô và dệt may, da giày để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Cùng với phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, tập trung phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là du lịch; chế biến nông lâm thủy sản cũng đang được đầu tư, xây dựng và phát triển. Từ những ngành mũi nhọn trên sẽ tạo nên cơ chế, động lực để Quảng Nam tiếp tục phát triển theo mục tiêu đề ra.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Trần Tân
(thực hiện)