Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 tại Quảng Nam: Chênh lệch lớn!

Thứ năm, 17/07/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2007-2008 vừa được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam công bố có sự chênh lệch rất lớn. Điều này khẳng định chất lượng đầu vào của một số trường quá thấp đang là nỗi lo chung của nhiều cấp, nhiều ngành tại địa phương.

Một cán bộ lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam khẳng định: Đối với những trường công lập có “thương hiệu” với tỷ lệ tốt nghiệp trong tốp đầu của tỉnh các năm trước thì chất lượng tuyển sinh đầu vào năm học 2008-2009 vẫn tiếp tục đạt kỷ lục cao gấp 2 lần tuyển sinh ĐH, CĐ. Giữ vị trí số một như mọi năm vẫn là Trường THPT Trần Cao Vân với 48 điểm, dù sự cạnh tranh của thí sinh đăng ký dự thi vào trường này ở kỳ tuyển sinh năm nay không nhiều như trước đây.

Trường THPT Sào Nam - ngôi trường THPT duy nhất của tỉnh được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động - chỉ chịu kém 0,5 điểm (47,5 điểm). Như vậy, có thể thấy rằng, để vào được 2 trường này thì HS phải có học lực xếp loại giỏi và điểm thi tuyển sinh của mỗi môn Văn và Toán phải đạt 6,5 điểm trở lên. Đây là điều không dễ bởi đề thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua có độ phân hóa lớn, rất khó đạt điểm cao, và thực tế nhiều HS giỏi vẫn bị rớt.

Xếp sau 2 trường trên là các trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Tiểu La, Nguyễn Duy Hiệu (cùng điểm chuẩn 45,5 điểm). Đây cũng là điều không bất ngờ bởi các trường đều có truyền thống, lại nằm ở vị trí trung tâm huyện lỵ nên thu hút số lượng lớn HS xếp loại học lực khá, giỏi theo học. Tuy nhiên, bất ngờ nhất trong tốp những trường có điểm chuẩn cao của năm nay là Trường THPT Lê Quý Đôn. Ở những năm trước, dù có sự cạnh tranh khá cao nhưng điểm chuẩn vào trường cũng chỉ ở mức trung bình khá của tỉnh. Gần đây nhất, tuyển sinh năm học 2007-2008, điểm chuẩn của trường là 39,5 điểm trong khi trường cao nhất là Trần Cao Vân với 47 điểm. Thế nhưng năm nay, điểm chuẩn của trường lại vọt lên tốp đầu với 45,5 điểm, cao hơn cả một số trường được coi là “anh cả” như Trường THPT Trần Quý Cáp, Núi Thành...

Nếu như các trường trong tốp đầu vui mừng vì điểm chuẩn cao thì những trường nhóm dưới lại lo âu trước điểm chuẩn thấp. Điều này đồng nghĩa với chất lượng đầu vào quá thấp. Năm nay, Trường THPT Cao Bá Quát tiếp tục là đơn vị đứng vị trí thấp nhất bảng khi điểm chuẩn chỉ 24,5 điểm (bằng một nửa số điểm của Trường THPT Trần Cao Vân). Với số điểm này, có thể thấy, HS chỉ cần mỗi môn chưa đến 2 điểm là đủ để trúng tuyển vào lớp 10. Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát Trần Đại Thạch lo lắng: HS Trường Cao Bá Quát tuyển sinh phần lớn là yếu và trung bình, còn khá và giỏi đều đi các trường khác.

Dù là trường công lập, được “ưu tiên” tuyển sinh trước nhưng so với nhiều trường bán công thì chất lượng đầu vào của Trường Cao Bá Quát vẫn thấp. Chẳng hạn, Trường THPT bán công Phan Bội Châu sẽ tuyển những HS có điểm số dưới 48 điểm (rớt Trường Trần Cao Vân) và dưới 45,5 điểm (rớt Trường Lê Quý Đôn). Hay như Trường THPT bán công Thái Phiên sẽ tuyển số HS dưới 45,5 điểm do không thể vào được Trường Tiểu La. Ngay như trên địa bàn H. Núi Thành, chất lượng đầu vào của Trường Cao Bá Quát nhiều khả năng cũng thấp hơn Trường bán công Núi Thành vì điểm chuẩn của trường này là 42 điểm. 

Không chỉ Trường Cao Bá Quát, nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn có điểm chuẩn khá thấp và khá chênh lệch so với trường cùng địa bàn. Chẳng hạn, Trường Phan Châu Trinh 26 điểm (trong khi Trường Huỳnh Thúc Kháng 36 điểm), Trường Lý Tự Trọng 27 điểm (Trường Tiểu La 45,5 điểm), Trường Lê Hồng Phong 33,5 điểm (Trường Sào Nam 47,5 điểm) hay như Trường Nông Sơn 29 điểm (Trường Quế Sơn 43 điểm). Với các mức điểm chuẩn như thế, HS chỉ cần mỗi bài thi có điểm từ 2,5-3,5 điểm là có thể vào lớp 10.

Hiệu trưởng nhiều trường khẳng định: Chất lượng tuyển sinh lớp 10 của nhiều trường công lập thấp là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tốt nghiệp không cao. Vì vậy, nhiều trường có chất lượng đầu vào thấp sẽ càng khó khăn hơn trong việc nâng cao chất lượng.

Một điều dễ nhận thấy khi phân tích sự chênh lệch điểm tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập giữa các trường ở Quảng Nam là sự phân hóa rất rõ về chất lượng đã tạo tâm lý lo lắng cho nhiều phụ huynh và thầy cô giáo. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khá chạy lo cho con mình thi vào các trường có chất lượng đào tạo cao. Việc làm thế nào để chất lượng đào tạo tại các trường đồng đều vẫn chưa có câu trả lời. Do chất lượng đầu vào quá thấp, ở rất nhiều trường công lập cũng như bán công, HS bỏ học nhiều. Thậm chí, HS ở các trường này thường “ăn chơi” nhiều hơn học. Điều này đã gây đau đầu không chỉ cho lãnh đạo nhà trường mà ngay các cấp chính quyền địa phương cũng lo lắng.

Nguyễn Hoàng – X.P