Kevin Mallory - cựu điệp viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc (Kỳ 1: Con mồi hấp dẫn)
Một bộ phim thực tế "The American" mô tả, Kevin Mallory đã sống một cuộc sống hai mặt: ông giúp mọi người trên đường phố làm công việc sân vườn, đến nhà thờ và hỗ trợ người nhập cư khai báo thuế thu nhập. Tuy nhiên, ở nhà, ông ta bí mật liên lạc với các đặc vụ Trung Quốc thông qua các trang mạng xã hội và bán cho họ những bí mật của Mỹ.
Ngôi nhà ở Raspberry Falls, nơi ông Mallory (ảnh nhỏ) và gia đình sinh sống. Ảnh: BBC |
"Sống trong giấc mơ"
Ông Mallory tốt nghiệp đại học ngành khoa học chính trị ở Utah và trải qua thời gian trong quân đội trước khi làm việc với tư cách là một nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ông từng sống ở Iraq, Trung Quốc và kết hôn với Mariah Nan Hua tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc).
Năm 2006, họ mua căn nhà ở Raspberry Falls với giá 1,16 triệu USD sống cùng với 3 con. Mallory và vợ nói tiếng Trung tại nhà. Cuộc sống riêng của ông ấy phản ánh cách người Mỹ và người nói tiếng Hoa bản địa đã đến với nhau ở phía bắc Virginia trong những năm qua. Khoảng 14% dân số ở quận Loudon là người Mỹ gốc Á. Cứ mỗi Chủ nhật, Mallory và vợ đến nhà thờ, nơi ông được gọi là Zhiping Mao. Nhiều người bạn của họ tại nhà thờ là những người nói tiếng Hoa bản địa - họ hát thánh ca bằng tiếng Trung. Nhiều người khác tại nhà thờ có một nền tảng tương tự như Mallory. Thông thạo tiếng Trung, những người đàn ông trung niên này làm việc cho CIA hoặc các cơ quan tình báo khác. Mallory từng nhắc nhở mọi người ở Raspberry Falls rằng họ may mắn như thế nào. "Ông ấy nói: Bạn đang sống trong giấc mơ Mỹ. Ông ấy nói với mọi người rằng họ nên đánh giá cao những gì họ đang có", một người bạn của gia đình Mallory nhớ lại.
Một người bạn khác, Delrose Winter, nhớ lại một ngày khi Mallory và gia đình đến ăn thịt nướng nhân ngày Quốc khánh 4-7. Họ mặc quần áo màu đỏ, trắng và xanh và dường như "rất yêu nước". Nhưng sau vụ vỡ bong bóng bất động sản năm 2008, vận may của Mallory đã thay đổi. Giá nhà của ông lao dốc, và sau đó ông mất việc. Một nhà khoa học sống gần đó, nói: "Họ đang chịu áp lực tài chính nghiêm trọng". Một người hàng xóm khác nói: "Họ đang bị chìm dưới nước".
Bẫy mật ngọt
Đối với các điệp viên Trung Quốc, Mallory là một con mồi hấp dẫn. Ông có mái tóc nâu sẫm, nụ cười đẹp, cách cư xử dễ gần, không uống rượu hay cà- phê. Ông đã làm việc như một sĩ quan bí mật của CIA và nắm giữ các bảo đảm an ninh cho phép ông tiếp cận với những bí mật quý giá nhất của quốc gia. Tuy nhiên, vào thời điểm ông được người Trung Quốc tiếp cận vào đầu năm 2017, ông đã làm việc như một nhà tư vấn độc lập và đang phải vật lộn để kiếm tiền.
Nói qua điện thoại từ Thượng Hải, Randall Phillips, một nhà điều tra của Tập đoàn Mintz, trước đây từng là đại diện chính của CIA tại Trung Quốc, nói rằng các đặc vụ Trung Quốc đã cố gắng làm cho Mallory cảm thấy đặc biệt. "Họ bày trò phù phiếm với ông ta", Phillips nói. Đó là một kỹ thuật được tôn vinh theo thời gian, gọi là "bẫy mật ngọt", một quan chức CIA cho biết.
Các đặc vụ Trung Quốc đã tiếp cận Mallory không phải trong một quán bar mà tại LinkedIn, một trang mạng định hướng kinh doanh, và nói thẳng: "Này, ông sẽ tham gia mạng lưới của tôi chứ?". Theo hồ sơ tòa án, Mallory đã trả lời: "Tôi cởi mở với bất cứ điều gì. Ông biết đấy, tôi phải trả tiền các hóa đơn". Theo cơ quan tình báo nội địa Đức, họ nói với Mallory rằng họ đang tìm kiếm một người có nền tảng chuyên môn, cùng một âm mưu mà họ đã sử dụng cho các thành viên Quốc hội Châu Âu.
Theo một quan chức Đức, các đặc vụ Trung Quốc đã trở nên hoàn hảo hơn trên trang mạng LinkedIn trong năm qua. Paul Rockwell, người đứng đầu bộ phận tin cậy và an toàn của LinkedIn, cho biết họ lo ngại về nỗ lực tuyển người của các điệp viên Trung Quốc: "Chúng tôi cam kết ngăn chặn hành vi này". Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của người Đức, cho rằng "không có căn cứ".
AN BÌNH