Khắc khoải Sơn Trà

Thứ hai, 21/11/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Ngoài hệ sinh thái đa dạng, là lá phổi khổng lồ, tấm ngực ưỡn ra biển lớn, bán đảo Sơn Trà còn là nơi bảo bọc hình ảnh nhận diện của thành phố tại APEC 2017-Nữ hoàng linh trưởng, voọc chà vá chân nâu. Nhiều chuyên gia quốc tế nói rằng, các nước tiên tiến cần khoảng nửa thế kỷ mới có được một khu bảo tồn nguyên sinh như Sơn Trà. Được thiên nhiên ban tặng, vấn đề còn lại là bảo vệ và khai thác lợi thế nửa thế kỷ đi trước ấy ra sao.

Hoàng hôn trên đỉnh Sơn Trà. Ảnh: Vũ Công Điền

Từ câu chuyện đàn voọc không trở về...

Còn nhớ, năm 2013, một góc núi Sơn Trà bỗng nhiên rầm rập vì máy móc, phương tiện cơ giới kéo vào xây dựng. Một gia đình voọc chà vá chân nâu gồm 7 thành viên trong hành trình phiêu lưu hoang dã của mình đã bị cô lập bên taluy âm của một con đường bê-tông mới mở thần tốc nối từ Nhà Vọng Cảnh lên Bàn Cờ Tiên. Một cán bộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch khi đó nói rằng, "chúng đã hoảng loạn và tìm bầy trong tuyệt vọng". Thay vì nhảy nhót cùng bầy đàn trong khu rừng nguyên sinh thì nhiều ngày trời chúng bị chặn đường về vì con đường bê-tông, bị "tấn công" bởi tiếng con người, máy móc, xe cộ. Mãi đến khi nữ tiến sĩ người Đức Ulrike Simonne Streicher trình ý tưởng xây cầu cây xanh để dẫn voọc trở về, gia đình thú quý này mới được giải cứu. Nhưng cũng từ đó, ngôi nhà rộng lớn của khoảng 400 cá thể voọc chà vá chân nâu bị thu hẹp dần.

Cũng vào thời điểm này, một Cty du lịch bỗng nảy ra "tối kiến" thành lập trường bắn súng sơn, biến một vùng lõi của Núi Khỉ (Monkey Mountain, theo cách gọi của người Mỹ trước đây) thành "trận địa" cho những xạ thủ du lịch. Những bước chạy đánh trận giả với tiếng đì đùng, bèm bẹp của súng sơn khiến không chỉ voọc mà nhiều loài thú quý hiếm nơi đây như khỉ đuôi lợn, trăn gấm, gà tiền mặt đỏ, cu li... một phen lo sợ. Sau những ngày nháo nhác tháo chạy, chúng thu mình co ro không dám bén mảng tách bầy bay nhảy bằng những vũ điệu hoang dã giữa chốn rừng xanh. Khi thành phố quyết định hủy tour du lịch này, người ta lại tổ chức đi khảo sát, tiền trạm để hình thành một biến thể của nó là tổ chức tour "ngắm voọc"! May mắn là trong các cuộc "đổ bộ" một cách vồn vã vào Sơn Trà, chính quyền và ngành chức năng thành phố đã lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân để sớm ngăn chặn những nguy cơ biến nơi đây thành khu vui chơi giải trí kiểu "mì ăn liền"!

Nhưng, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà còn đối mặt với một vấn nạn khác, đó là thế trận liên hoàn từ những chiếc bẫy lạnh lùng của các đối tượng săn bắt trái phép. Những kẻ đi săn còn lập lán, cố thủ trong vùng lõi của Sơn Trà để "truy sát" những con thú có tên trong sách đỏ. Cho đến bây giờ, hình ảnh một nhóm "thợ săn" quê Nghệ An xẻ thịt voọc ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vẫn còn là nỗi ám ảnh với những người làm công tác quản lý, bảo tồn và người dân thành phố...

Rừng Sơn Trà là môi trường sống lý tưởng của voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh

Vũ điệu hoang dã của voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh

...Đến "hợp đồng giao khoán" và "dọn dẹp sau bão"

Rừng Sơn Trà có lẽ là khu rừng dễ bảo vệ nhất vì địa hình không quá phức tạp, với hầu hết các mặt là biển, chỉ có duy nhất một hướng để tiếp cận, như cái cổ chai ở P. Thọ Quang. Thế nhưng trong vòng nửa năm trời, lá phổi này bị "rạch" 2 nhát thô bạo mà cơ quan kiểm lâm và chính quyền cơ sở không hề hay biết. Để đến nỗi khi đi kiểm tra hiện trường, ông Phùng Tấn Viết lúc đó là Phó Chủ tịch UBND thành phố phải chua chát thốt lên là "quản lý rừng quá hời hợt". Đầu tiên là vào cuối tháng 2-2016, mạng xã hội xuất hiện một video clip quay lại cảnh cây rừng tại Tiểu khu 62, 63 thuộc khu bảo tồn thiên nhiên này bị phá tan hoang bởi các hộ dân nhận đất rừng giao khoán. Vụ việc lòi ra, khi bị lãnh đạo thành phố truy trách nhiệm thì đại diện Chi cục Kiểm lâm cho rằng lỗi phần lớn là do Hạt Kiểm lâm và chính quyền P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà thiếu sâu sát nên mới dẫn đến tình trạng phá rừng trong thời gian dài. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương lại cho rằng, chính quyền có một phần trách nhiệm nhưng vụ việc xảy ra không thể không nhắc đến vai trò của Hạt Kiểm lâm. Lãnh đạo Hạt lại "đá bóng" rằng đây là đất rừng đã được giao cho UBND P. Thọ Quang nên việc kiểm tra, quản lý không được thường xuyên. Một khu rừng đặc dụng bị băm nát trong thời gian dài, được phát hiện bởi một người dân, trong khi các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm kể ra là chuyện rất nghịch nhĩ.

Chỉ vài tháng sau, cũng từ nguồn tin của quần chúng, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường và phát hiện thêm một vụ xâm hại rừng nghiêm trọng. Vị trí rừng bị xâm hại này có tọa độ trung tâm là 560.505E - 1.784.649N, nằm trong phạm vi nhận khoán của ông Phạm Hùng Mạnh theo Hợp đồng khoán số 110/HĐGK ngày 19-8-1998, diện tích 18ha, do Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sơn Trà lập theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ. Kết quả kiểm tra cho thấy, khoảng 63,4m3 gỗ gồm các loại Chò, Nhội, Dẻ, Sồi, Lim xẹt, Lòng mang đã bị đốn hạ. Kiểm tra tại kho của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Trường Mai, lực lượng chức năng phát hiện tại đây cất giữ 3,027m3 gỗ xẻ các loại có hồ sơ mua bán gỗ nhưng chưa xác định được chủng loại so với hóa đơn. Chủ cơ sở này thừa nhận đã tự ý khai thác tận thu số cây gỗ bị ngã đổ trong rừng do bị bão trong năm 2015 để sử dụng tại chỗ nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép (!?). Còn số gỗ xẻ là ông mua của các doanh nghiệp để đóng bàn ghế phục vụ du lịch.

Lợi dụng giao khoán, nhiều hộ dân đã mở đường, xâm hại rừng tại Sơn Trà. Ảnh: Công Khanh

Cẩn trọng với báu vật

Vụ xẻ thịt "nữ hoàng linh trưởng" đã được cơ quan điều tra khởi tố, truy tố, xét xử. Các vụ xâm hại rừng, ngoài việc luân chuyển ekip cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án để điều tra và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan. Đó là động thái quyết liệt, nhưng có xử lý đến đâu nữa thì hình ảnh những bộ xương voọc, những chiếc bẫy lạnh lùng hay những gốc cây cổ thụ ứa nhựa cũng sẽ còn ám ảnh. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong kế hoạch sẽ tiến tới đưa bán đảo Sơn Trà  trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Nếu nói Sơn Trà là kho báu thì ắt hẳn không để nó ngủ quên, nhưng đánh thức như thế nào thì phải thực sự cẩn trọng và thấu đáo. Chứ không phải đùng một cái là mở đường hay xây khu du lịch, cũng không thể để cho những "tối kiến" hình thành rồi quay lại xử lý hậu quả. Trở về sau hội thảo về bảo tồn thiên nhiên, linh trưởng, anh Bùi Văn Tuấn, chủ nhân của video clip phá rừng Sơn Trà, dẫn lời các chuyên gia quốc tế cho biết: "Có 5 nguyên nhân cản trở công cuộc bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã. Đó là mất rừng, nạn săn bắt trái phép, suy giảm diện tích đất, nhận thức hạn chế của người dân và thiếu sự hỗ trợ của chính quyền. Để bảo vệ được báu vật của mình, Đà Nẵng cần giải quyết tốt 5 vấn đề này".

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về những ý tưởng "khai phá Sơn Trà", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định, quan điểm của thành phố là xem Sơn Trà như lá phổi xanh, như báu vật mà thiên nhiên ban tặng. Mọi việc liên quan đến bán đảo Sơn Trà phải là vì lợi ích chung của người dân thành phố nên các ý tưởng, đề xuất cần phải xem xét hết sức cẩn trọng. Đó cũng là mong muốn, mong muốn đến khắc khoải của người dân, những người yêu Sơn Trà, yêu thương hiệu thành phố môi trường mà họ đang chung tay hướng đến.

Công Khanh