Khắc phục bất cập cho hoạt động cấp cứu ngoại viện của Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-3, Sở Y tế TP Đà Nẵng có cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết những bất cập trong hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2015, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng có tờ trình gửi TP Đà Nẵng đề nghị được chuyển đổi cơ sở từ đường Thanh Tịnh thuộc P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) về cơ sở Khoa Lây cũ (Bệnh viện Đà Nẵng). Theo giải trình của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, dù được xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, tọa lạc trên diện tích đất rộng lớn nhưng ngay sau khi đi vào hoạt động (năm 2011), Trung tâm Cấp cứu đã xuất hiện nhiều bất cập xuất phát từ quãng đường xa, đi lại khó khăn nên nhiều trường hợp cấp cứu bệnh nhân không kịp.
Chỉ sau nửa năm chuyển về cơ sở mới, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã có tờ trình xin được chuyển về lại quận trung tâm là Hải Châu. Sau đó, ngoại trừ bộ phận hành chính được duy trì tại cơ sở Hòa Minh, hàng chục cán bộ, y bác sỹ, phương tiện, máy móc, xe cấp cứu được bố trí về "ở trọ" trong căn nhà chỉ 76m2 thuộc Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng. Trong khi đó, do không phát huy được công năng nên trụ sở trung tâm ở P. Hòa Minh gần như bỏ không và bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tại cuộc họp này, ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho rằng, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã được quy hoạch, xây dựng có chiến lược từ nhiều năm trước, để phục vụ cho lâu dài theo mô hình cấp cứu ngoại viện của Pháp. Để khắc phục những khó khăn hiện tại khi hai quận trung tâm thành phố không có trạm cấp cứu vệ tinh, các sở, ngành thống nhất việc cho xây dựng một trạm cấp cứu tại Q. Hải Châu.
Trạm này phải ở gần các bệnh viện để thuận tiện việc cấp cứu người dân. Sở Y tế, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để tiến hành xây dựng. Với đề xuất hoán đổi đất ở cơ sở Hòa Minh để xây dựng lại Trung tâm cấp cứu 115 ở Trung tâm thành phố, lãnh đạo Sở Y tế và các sở, ban ngành không đồng ý vì đây là trung tâm cấp cứu được định hướng cho tương lai, không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, lưu bệnh mà còn có nhiệm vụ phòng ngừa thảm họa, gắn với y tế biển đảo với quy mô gần 100 giường.
Bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo cho biết, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới thì cứ 1 triệu dân phải có 15 xe cấp cứu. Đà Nẵng cũng đã được coi là thành phố triệu dân nhưng hiện tại chỉ có 10 xe cấp cứu ngoại viện, một số xe trong số này đã xuống cấp, hư hỏng thường xuyên.
Công Khanh