Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng lấy ý kiến góp ý dự thảo luật chuẩn bị kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV:

Khắc phục tình trạng xây dựng chính sách theo ý chí chủ quan

Thứ tư, 28/08/2019 15:09

Ngày 27-8, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL), chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Hội nghị do ông Nguyễn Bá Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chủ trì với sự tham dự của đại biểu các ngành, cơ quan liên quan.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chủ trì và phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết: Luật BHVBQPPL được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016. Đây là một đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, với tính chất là một "Luật về làm luật" có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm trong hoạt động xây dựng, BHVBQPPL.  Tuy nhiên, quá trình thực hiện  cho thấy, việc triển khai Luật BHVBQPPL năm 2015 đã gặp một số hạn chế, bất cập như: Văn bản QPPL được ban hành nhưng khi tổ chức thực hiện dẫn đến xung đột; có những vấn đề trong thực tiễn nảy sinh rất nhanh mà hệ thống pháp luật chưa bao trùm hết. Việc xây dựng và ban hành các loại văn bản dưới luật để hướng dẫn, để thi hành, để triển khai thực hiện vẫn còn tình trạng không phù hợp với quy định... do đó việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết. Ông Nguyễn Bá Sơn đề nghị các đại biểu tập trung góp ý 5 nội dung quan trọng, đó là: Chương trình xây dựng và BHVBQPPL hàng năm; việc soạn thảo dự án luật; việc thẩm tra dự án luật; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật trước khi trình Quốc hội; việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.

Góp ý về chương trình xây dựng luật, đại biểu Lương Công Tuấn (Thanh tra TP Đà Nẵng) đồng ý chọn phương án  giữ quy trình lập chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh như hiện nay, đồng thời có sự thay đổi quy định về hồ sơ của đề nghị xây dựng văn bản. Việc điều chỉnh như vậy cơ bản không làm thay đổi quy trình lập Chương trình hiện hành nhưng sẽ giúp cho việc xây dựng các chính sách đảm bảo chất lượng, đầy đủ và toàn diện hơn. Phương án này ưu điểm là chỉ phải sửa đổi tối thiểu quy định về trình tự, thủ tục lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, giữ ổn định cách làm mới được thay đổi từ sau khi Luật BHVBQPPL năm 2015 có hiệu lực nhưng hạn chế của nó là không khắc phục được triệt để tình trạng lùi, rút, điều chỉnh chương trình; Quốc hội sẽ có điều kiện thẩm định nghiên cứu tốt hơn sản phẩm cuối cùng của quá trình xây dựng Luật. Về việc soạn thảo dự án luật, ĐB Tuấn cho rằng cần bỏ quy định chi tiết để dành thời gian xây dựng dự thảo luật tốt hơn.

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật.

Trong trường hợp chính sách có sửa đổi bổ sung thì điều chỉnh cũng dễ dàng hơn, kỹ lưỡng hơn, hạn chế được thay đổi, sửa đổi chính sách, ĐB Tuấn cũng thống nhất phương án Ban soạn thảo được thành lập và tham gia ngay từ lập đề án xây dựng luật, đảm bảo kết nối liên tục, kế thừa cả về con người lẫn ý chí xây dựng luật ngay từ giai đoạn xây dựng Luật đến giai đoạn soạn thảo; khắc phục tình trạng xây dựng chính sách theo ý chí chủ quan của các bộ, ngành. Thành phần ban soạn thảo ngoài các cơ quan chủ trì soạn thảo có các cơ quan liên quan, đặc biệt là có các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tham gia một cách độc lập hơn, khách quan hơn, chặt chẽ hơn. Về thẩm tra dự án luật, các đại biểu cho rằng khi đã có một chính sách mới cần phải có đánh giá tác động của chính sách đó đối với đối tượng tác động. Về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hộ xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật trước khi trình Quốc hội, ý kiến các đại biểu cho rằng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và trình tự cho ý kiến, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ xem xét, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật.

Ý kiến góp ý các đại biểu đã được Đoàn ĐBQH TP tiếp thu, ghi nhận và cho biết sẽ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo để nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung trước khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL được trình ra Quốc hội.

K.T