“Khắc tinh” của tội phạm ma túy...

Thứ hai, 21/08/2017 09:22

Với lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS), Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (CSMT), sau niềm vui phá án thành công là những câu chuyện “hậu trường” ít người biết đến. Đó có thể là những mất mát, thương tật, hoặc nguy cơ phơi nhiễm HIV... khi đối đầu trực diện với các loại tội phạm hình sự, ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh.

Thiếu tá Trần Thanh Tịnh (thứ 2, bên trái qua) tại buổi gặp mặt gương điển hình tiên tiến
nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 – 20-7-2017)
được tổ chức tại Hà Nội.

Thiếu tá Trần Thanh Tịnh - Phó đội trưởng thuộc Phòng CSMT CATP Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Gần 15 năm công tác tại Phòng CSMT, với sự đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng chấp nhận vất vả, gian khổ, anh đã cùng đồng đội tham gia điều tra, khám phá hàng trăm vụ án, chuyên án lớn liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, trong những lần như thế, anh đã phải đối diện với những tình huống trớ trêu, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng không chỉ của riêng mình. Đó là, trong quá trình truy bắt tội phạm, Tịnh đã từng phải “sống trong sợ hãi” vì nguy cơ phơi nhiễm HIV, và với anh, khoảng thời gian này thực sự là một thử thách không dễ chịu chút nào.

Về nhận công tác tại Phòng CSMT CATP Đà Nẵng từ năm 2003, Trần Thanh Tịnh chuyên tâm vào mảng phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về sản xuất, tàng trữ, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy. Nhớ lại khoảng thời gian hơn 10 năm về trước, trong một lần được phân công cùng đồng đội theo dõi một đối tượng nghiện ma túy tên là Kh, biệt danh Kh “si-da”, khi đối tượng phát hiện mình bị theo dõi thì bất ngờ bỏ chạy. Tịnh và đồng đội tăng tốc đuổi theo. Khi hai xe chạy ép sát vào nhau, Tịnh “bay” qua đạp ngã xe đối tượng và nhanh chóng khống chế. Trong quá trình vật lộn, người đối tượng bị trầy xước rất nhiều, và Tịnh cũng không tránh khỏi bị sây sát, tấm máu...

Khi đưa về trụ sở cơ quan lấy lời khai, đối tượng mới cho biết mình đã bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, đồng thời “khuyên” Tịnh nên đi... rửa tay, vệ sinh thật kỹ. Do thời điểm ấy tại Đà Nẵng chưa có thuốc chống phơi nhiễm nên Tịnh chỉ còn cách lên Trung tâm Y tế dự phòng chỉ để xin... tư vấn. “Sau khi nhìn vết thương và kiểm tra sơ bộ ngoài da, đồng thời hỏi mình có trực tiếp va chạm vào vết thương của đối tượng hay không, bác sĩ tại Trung tâm lúc đó... kết luận rằng nguy cơ lây nhiễm không cao. Nghe thế tôi cũng an tâm một phần, tuy nhiên trong đầu lúc nào cũng bị ám ảnh, lo lắng bởi mệnh đề: nếu không may thì...”, Thiếu tá Tịnh nhớ lại.

 Rồi thời gian cũng trôi qua, hơn 4 tháng sau, khi tái xét nghiệm, Thiếu tá Tịnh mới thở phào nhẹ nhõm vì nhận được kết quả “âm tính”. Tịnh kể, sau lần bắt “Kh si-da”, anh hình như “có duyên” bắt các đối tượng mang trên mình “án tử” HIV/AIDS. “Song, một phần vì may mắn, phần nữa là nhờ rút được kinh nghiệm để chủ động đề phòng nên tránh được nguy cơ”, Tịnh tâm sự.

Trần Thanh Tịnh cho biết, công tác đánh án ma túy luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chuyện nguy hiểm đến tính mạng thì “không phải bàn”. Với phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, manh động, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy luôn là những cuộc “đấu trí” cam go, quyết liệt. Do thời gian hoạt động của tội phạm ma túy hầu hết diễn ra ban đêm nên anh và đồng đội phải liên tục thức trắng đêm để bám nắm, theo dõi đối tượng; không những thế còn phải đối diện với các đối tượng trang bị vũ khí “nóng”, sẵn sàng nhả đạn, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Những lần đối mặt với các “ông trùm” ma túy mưu mô, xảo quyệt không chỉ đòi hỏi người trinh sát sự nhanh nhẹn, khéo léo mà còn phải có bản lĩnh và ý chí thép bởi sự nguy hiểm luôn rình rập xung quanh.

Cũng chính nhờ bản lĩnh và ý chí ấy, Thiếu tá Trần Thanh Tịnh cùng đồng đội đã khám phá thành công nhiều chuyên án, gây tiếng vang lớn và khẳng định “thương hiệu” trinh sát ma túy CATP Đà Nẵng thời gian qua. Điển hình như chuyên án 311T, khám phá ngày 10-6-2012 bắt khởi tố 5 đối tượng, tang vật thu giữ khoảng 200 tép heroin, 724 viên MTTH (thuốc lắc), gần 70 gam ma túy “đá”; chuyên án 606H khám phá ngày 13-7-2013, lần đầu tiên lực lượng CSMT CATP Đà Nẵng chặt đứt đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào về Đà Năng tiêu thụ, bắt khởi tố 5 đối tượng, thu giữ tang vật hơn 500 gam ma túy “đá”; chuyên án 124N khám phá ngày 19-10-2014 bắt Phạm Thị Nga, thu giữ hơn 2,1kg ma túy “đá”, 2.508 viên MTTH; chuyên án 575H khám phá ngày 21-8-2015 bắt khởi tố 2 đối tượng, thu giữ 1 kg ma túy “đá”; chuyên án 457H ngày 7-4-2016, bắt khởi tố 3 đối tượng, thu giữ 1.000 viên MTTH, 900 gam ma túy “đá”,   2 ô-tô, 1 khẩu súng...

Không chỉ là điển hình tiên tiến được tuyên dương tại rất nhiều buổi gặp mặt, được giao lưu tại các hội nghị quan trọng của CATP Đà Nẵng và của Bộ Công an, Thiếu tá Trần Thanh Tịnh còn là “gương mặt thân quen” nhận được rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến 2016, anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Bằng khen, Bộ Công an tặng  4 Bằng khen, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng 3 Bằng khen, Tổng cục Cảnh sát tặng 1 Bằng khen và liên tục nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”... “Nhiều lần nhận được khen thưởng, bản thân cũng thấy tự hào, vinh dự lắm. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất sau mỗi chiến công của bản thân và đồng đội đó là góp phần ngăn chặn cái chết trắng, mang lại bình yên cho nhân dân”, Trần Thanh Tịnh tâm sự.

D.HÙNG