VỤ MẤT HÀNH LÝ TRÊN CHUYẾN BAY TỪ HÀ NỘI VỀ ĐÀ NẴNG:

Khách hàng chịu thiệt do đền bù quá thấp so với giá trị thực

Thứ sáu, 06/02/2015 12:26

(Cadn.com.vn) - Chị Nguyễn Thị Tuyết (1979, trú thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương, H. Điện Bàn, Quảng Nam) trình bày: Ngày 18-12-2014, tôi mua vé máy bay đi về trong ngày của hãng Vietjet Air chặng Đà Nẵng- Hà Nội và ngược lại. Trên chuyến bay ký hiệu VJ509 từ Hà Nội về Đà Nẵng, tôi có mang theo một số áo phao được mua tại chợ Đồng Xuân (có hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền là 27.464.000 đồng), do hàng hóa cồng kềnh, nặng 26kg nên tôi làm thủ tục ký gửi hàng hóa. Việc ký gửi hàng hóa được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình theo quy định của sân bay, nhưng về đến sân bay Đà Nẵng chờ mãi vẫn không nhận được kiện hàng vừa ký gửi.

Phản ánh sự việc với các cơ quan chức năng tại sân bay Đà Nẵng, tôi được yêu cầu làm báo cáo bất thường về hành lý và chờ đợi. Khoảng 10 ngày sau, đại diện hãng Vietjet Air thông báo cho tôi số hàng hóa trên đã bị mất và đề nghị bồi thường 5.200.000 đồng (200.000 đồng/kg). Việc để mất tài sản trong khâu ký gửi, vận chuyển thuộc về đơn vị vận chuyển. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân gây ra sự việc và đền bù đúng giá trị của lô hàng.

Ngày 3-2-2015, Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã làm việc với ông Đoàn Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Trung và được biết: Sau khi nhận tin báo mất hành lý của khách hàng Nguyễn Thị Tuyết, đơn vị đã yêu cầu các cơ quan có liên quan rà soát, tìm kiếm song không phát hiện thời gian, địa điểm bị mất cắp. Đối với Vietjet Air tại Đà Nẵng đã yêu cầu đơn vị phục vụ mặt đất và các bộ phận liên quan kiểm tra hình ảnh lưu trên hệ thống camera giám sát an ninh nhưng vẫn không tìm ra kiện hành lý nên có báo cáo cho lãnh đạo và đưa ra mức đền bù tối đa là 200.000 đồng/kg. Như vậy, hãng hàng không Vietjet Air bồi thường cho chị Tuyết 5.200.000 đồng.

Băng chuyền hành lý tại một sân bay.

Cũng liên quan đến vụ việc, trả lời câu hỏi của phóng viên: Tại sao đơn vị vận chuyển tự ý đưa ra mức bồi thường quá thấp khi chưa có sự đồng ý của người bị hại? Bà Lê Hoài Hương, Trưởng phòng Pháp chế- Thanh tra Cảng vụ hàng không miền Trung, cho biết: Tại Điểm 6.4.1.3 Quy định phục vụ khách hàng của hãng hàng không Vietjet Air được các cơ quan chức năng Việt Nam phê duyệt: "Giới hạn trách nhiệm của VJC trong việc bồi thường hành lý: Mức giới hạn trách nhiệm tối đa của VJC đối với hành lý ký gửi là 20 USD (quốc tế) và 200.000 đồng (quốc nội)/kg hàng hóa". Với quy định như vậy, VJC áp dụng mức đền bù 200.00 đồng/kg là đúng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tình cảm chúng tôi nhận thấy việc đền bù như vậy là quá thiệt thòi cho khách hàng. Vì vậy, tại Công văn số 48, ngày 23-1-2015, giải quyết đơn khiếu nại của hành khách, chúng tôi có nêu: Trong trường hợp không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại của hãng đưa ra, hành khách có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bà Hương còn cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất tài sản này là hệ thống camera giám sát an ninh của 2 Cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng đều không thể giám sát được việc vận chuyển hàng hóa từ băng chuyền hành lý lên xe đưa ra máy bay và vận chuyển hành lý từ máy bay lên xe vào băng chuyền. Ngoài ra, đơn vị phục vụ thương mại mặt đất tại Đà Nẵng cũng có sai sót là không tổ chức kiểm đếm hàng đến. Chỉ phát hiện hành lý bị mất khi nhận tin báo từ hành khách...

Như vậy, sự cố làm mất hành lý của chị Nguyễn Thị Tuyết trên chuyến bay VJ509 của hãng hàng không Vietjet Air ngày 18-12-2014 do lỗi hoàn toàn của hãng bay và các cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, việc áp dụng mức bồi thường 200.000 đồng/kg hành lý bị mất là quá thấp so với giá trị thực. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét vụ việc và đưa mức bồi thường thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng người bị hại như chị Tuyết.

M.T