Khai hội lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn 2017
(Cadn.com.vn) - Sáng nay 14-3 (nhằm ngày 17-2 ÂL), tại Non Nước – Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn 2017 chính thức khai hội. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh mang nét sinh hoạt văn hóa tinh thần và cộng đồng rộng lớn, cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Lễ hội Quán Thế Âm 19-2-Ngũ Hành Sơn hằng năm thu hút đông đảo Tăng ni, Phật tử, |
Tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc
Với sự ưu ái ban tặng của thiên nhiên, từ lâu Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành đã được xem là Nam Thiên Danh Thắng, là cái rốn của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành. Quần thể Non Nươc – Ngũ Hành Sơn là nơi “sơn kỳ thủy tú”, một khu “non bộ thiên tạo khổng lồ”, là “thế giới chùa chiền hang động”, nơi kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, nơi đây còn là một trong những chứng tích oai hùng của quân và dân Ngũ Hành Sơn anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn giúp cho quần thể Non Nước – Ngũ Hành Sơn thêm sinh động, hấp dẫn và ngược lại chính Nam Thiên Danh Thắng làm cho lễ hội càng trở nên lung linh huyền ảo, đây chính là nét rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được. Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn 2017, Trú trì chùa Quán Thế Âm cho biết: “Nhờ vị thế sơn thủy hữu tình ấy mà Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với bãi biển Non Nước và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Chính vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2-Ngũ Hành Sơn tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc…”.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi – Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19-2-Ngũ Hành Sơn 2017, đến với Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn, du khách còn có dịp thưởng ngoạn thắng cảnh chùa Linh Ứng, nơi đã từng lưu dấu chân xưa của Vua Minh Mạng, thăm động Huyền Không, động Âm phủ, lên cổng trời và được nghe kể về truyền thuyết Rồng vàng ấp năm trứng để ngày nay lưu dấu 5 ngọn núi Ngũ hành Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn, Hỏa sơn và ngọn Thổ sơn soi mình bên dòng sông Cổ Cò xuôi dòng về phố cổ Hội An thơ mộng… Vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn ngày nay là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc để ngày một sống đẹp hơn. Bà Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định: “Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thành phố mà là dịp để du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước – một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển”.
Hướng đến lễ hội văn minh
Theo ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn 2017, để lễ hội diễn ra thành công, ngay từ tháng 2-2017, các ngành và đơn vị liên quan đã triển khai rốt ráo công tác chuẩn bị. Ban tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban phục vụ như: tiểu ban lễ tân - hậu cần; tiểu ban văn hóa - thể thao - du lịch và tiểu ban an ninh trật tự - vệ sinh môi trường - y tế... Ngay sau khi thành lập, các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch và triển khai trong tất cả các thành viên của tiểu ban, đảm bảo túc trực, xử lý và giải quyết các vấn đề có khả năng phát sinh khi lượng người đổ về quá đông trước và trong lễ hội. Đến hiện tại, mọi công tác tổ chức đã được triển khai đúng kế hoạch và thời gian. Ngoài ra, nhằm hướng đến một lễ hội văn minh, Ban tổ chức Lễ hội sẽ đặc biệt chú trọng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiên quyết không để xảy ra các tình huống cháy nổ, cướp giật, móc túi, ùn tắc giao thông... Xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng, giữ xe chặt chém du khách, các trường hợp bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã, các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, truyền bá các ấn phẩm văn hóa ngoài luồng ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam. Qua đó, đảm bảo một lễ hội an vui, văn hóa, văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi hành hương về với Lễ hội, về với Ngũ Hành Sơn sơn thủy hữu tình…
Ông Nguyễn Hòa cho biết, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 - Ngũ Hành Sơn 2017 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh phong phú đa dạng có sức hấp dẫn, lôi cuốn thiện nam, tín nữ, khách du lịch trong và ngoài nước... Chính vì vậy, đến với Lễ hội năm nay, mọi người sẽ quên đi bao ưu tư, phiền muộn và lo lắng của cuộc sống đời thường để hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên, vui với những trò chơi văn hóa dân gian, những hoạt động đặc sắc của lễ hội. Để khi ra về, trong lòng mỗi người sẽ trở nên lắng dịu, thanh thản hơn qua những câu kinh tiếng kệ và khung cảnh huyền hoặc của khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn… “Bên cạnh sự ưu ái ban tặng của tạo hóa, mong muốn rằng, mỗi người khi hành hương về với Lễ hội cần chung tay giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bài trừ mê tín dị đoan và các tập tục lạc hậu, cùng hướng đến một lễ hội văn minh để hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung; để một Ngũ Hành Sơn đầy huyền bí, dịu dàng, mến khách nhưng cũng rất trẻ trung, năng động sẽ mãi đọng lại trong hành trang của du khách thập phương sau mỗi lần đến thăm”, ông Nguyễn Hòa mong muốn.
Lê Hùng
Chương trình Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 – Ngũ Hành Sơn 2017 Ngày 14-3 (17-2 ÂL): lễ Khai kinh thượng phan, thượng kỳ, khai phướn (8 giờ); triển lãm ảnh phong cảnh và chùa Nhật Bản, mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, khai mạc Triển lãm tranh - ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, khai hội Hô hát bài chòi Khu V (9 giờ); biểu diễn võ thuật dân tộc (15 giờ); lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa (16 giờ); lễ Tế Xuân cầu Quốc thái - Dân an, lễ Tế Thạch nghệ Tổ sư, biểu diễn thư pháp Nhật Bản (18 giờ 30); lễ khai mạc, biểu diễn Trống Hội và múa Trình tường, chương trình nghệ thuật (19 giờ). Ngày 15-3 (18-2 ÂL): khai mạc Ngày chạy vì Hòa bình và sức khỏe cộng đồng (6 giờ 30); Pháp đàn Quán Thế Âm (8 giờ); khai Hội Cờ làng (8 giờ 30); Pháp đàn Quán Thế Âm – Thiền tọa (15 giờ), Thuyết giảng Phật giáo (20 giờ). Ngày 16-3 (19-2 ÂL): Đón tiếp đại biểu, Quan khách, Chư tôn đức Tăng – Ni (6 giờ); Lễ Chính thức Lễ hội Quán Thế Âm - Nghi lễ Phật giáo (7 giờ); Hội Cờ làng (8 giờ); Hội Đua thuyền truyền thống, đoạt cờ lệnh rước Huyền Trần Công Chúa (9 giờ); Pháp đàn Đại bi, tham quan và chiêm bái Lễ hội (14 giờ); hướng dẫn thiền và cuộc sống (15 giờ - 17 giờ); bế mạc Lễ hội - chương trình nghệ thuật Bế mạc Lễ hội (19 giờ); lễ tạ, Pháp đàn, Hoa đăng (20 giờ 30). Lê Hùng |