Khai mạc hội nghị Quốc tế IEEE về Đo lường và Ứng dụng Anten 2024
Sáng 9-10, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Đo lường và Ứng dụng Anten 2024 (IEEE CAMA-2024). Đây là sự kiện học thuật được tổ chức bởi Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE), Đại học (ĐH) Côte d'Azur (Cộng hòa Pháp), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT - ĐH Đà Nẵng và ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, với sự tham dự của gần 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đánh giá cao và trân trọng cám ơn Ban Tổ chức, IEEE và các cơ quan, tổ chức, hiệp hội đã tạo cơ hội tổ chức sự kiện học thuật có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ĐH Đà Nẵng (1994 - 2024); chào mừng “Ngày chuyển đổi số của Việt Nam” (10-10). Đây cũng là đóng góp nổi bật của cộng đồng khoa học trong lĩnh vực đo lường, ăng ten và hệ thống truyền thông vào thực tiễn quá trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời khẳng định cam kết của ĐH Đà Nẵng, trong đó có Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT không ngừng thực thi sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung hướng tới trung tâm về công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điều khiển nhúng…
Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng mong muốn thông qua Hội nghị không những là cơ hội thúc đẩy kết nối, chia sẻ tri thức khoa học mà còn thiết lập, mở rộng cơ hội hợp tác giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu với các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, phát triển các giải pháp sáng tạo cho các ứng dụng trong các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu, xu thế.
Tại Phiên toàn thể, Hội nghị đã nghe 2 diễn giả chính báo cáo khoa học là GS. Yahya Rahmat-Samii, ĐH California (UCLA), Hoa Kỳ với đề tài “Thiết kế Anten sáng tạo cho CubeSats thế hệ mới: Từ khái niệm đến hiện thực hóa nhiệm vụ”, tập trung vào các ý tưởng thiết kế anten sáng tạo như anten phản xạ triển khai đối xứng và bất đối xứng, anten thấu kính in 3D và các hệ thống anten phản xạ triển khai được nhằm ứng dụng cho quan trắc từ xa, khám phá không gian sâu và kết nối không gian toàn cầu.
GS. Karu Esselle đến từ ĐH Công nghệ Sydney (Úc) (chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật anten và điện từ học, từng đạt giải Eureka Prize danh giá của Úc với nhiều giải thưởng, công trình nghiên cứu uy tín) báo cáo đề tài: “Near-Field MetaSteering-Phương pháp điều hướng chùm tia hoàn toàn mới cho các anten cố định” giới thiệu một phương pháp mới dùng 2 metasurface đặt gần nhau để điều khiển hướng chùm tia của bất kỳ anten cố định nào mà không cần thay đổi cấu trúc anten. Phương pháp này đã được các tổ chức học thuật và công nghiệp ứng dụng thành công với những ưu điểm như hoạt động băng rộng, công suất cao.
IEEE CAMA-2024 diễn ra từ ngày 9 đến 11-10 với các phiên chuyên đề và hoạt động trao đổi, giao lưu khác, trọng tâm nhiều nội dung chuyên ngành, liên ngành, có tính thời sự và học thuật như: Kỹ thuật đo lường trong môi trường có kiểm soát và không kiểm soát (in-situ); các phương pháp đo lường điện từ, đo lường tán xạ và nhiễu xạ, đo trường gần và trường xa; các nền tảng thử nghiệm anten mới, đo lường radar và RCS, mô phỏng và dự đoán đo lường trong các cấu hình thực tế.
Theo các nhà khoa học, các ứng dụng công nghệ tiên tiến từ đo lường điện từ, truyền thông mặt đất đến không gian, các hệ thống vi sóng, milimet và dưới milimet, các phương pháp tán xạ ngược và kỹ thuật hình ảnh, tính toán cho thiết kế anten bao phủ rộng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế và khoa học sức khỏe, môi trường.
Thanh Hoa