Khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021: Những vấn đề sẽ làm “nóng” nghị trường

Thứ ba, 10/12/2019 07:53

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 không đạt kế hoạch, hạ tầng đô thị quá tải, thiếu quỹ đất cho văn hóa, giáo dục... là các vấn đề được dự báo sẽ làm “nóng” kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khai mạc hôm nay, 10-12.

Quá tải hạ tầng giao thông khu vực trung tâm Đà Nẵng. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh giờ cao điểm.

Chỉ tiêu kinh tế

Năm 2019 Đà Nẵng có nhiều chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch, đây chắc chắn sẽ là vấn đề trọng tâm được các đại biểu HĐND tập trung phân tích, thảo luận nhằm tìm ra giải pháp. Số liệu cho thấy, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt thấp so với kế hoạch, ước tăng 6,47% (kế hoạch tăng 8-9%); Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 4,06% (kế hoạch tăng 7,2%);  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,09% (kế hoạch tăng 12-13%); Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 3,61% (kế hoạch tăng từ 5-6%). Đặc biệt du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng doanh thu tăng (9,4%)  không tương xứng với số lượng khách (tăng 18%). Điều này đặt ra vấn đề về chất lượng du lịch Đà Nẵng thấp, thiếu dịch vụ đẳng cấp, thu hút lượng khách có khả năng chi tiêu cao. Việc tập trung nâng chất lượng du lịch, phát triển các sản phẩm đẳng cấp, khai thác các loại hình dịch vụ về đêm đặt ra thử thách lớn với Đà Nẵng.

Quá tải đô thị

Một vấn đề “nóng” không kém là việc quá tải của hạ tầng đô thị. Tình trạng ùn tắc cục bộ tại nhiều tuyến đường, điểm nút giao thông diễn ra thường xuyên nhất là giờ cao điểm, ngày lễ hay sau các trận mưa. Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân chóng mặt, năm 2019 tăng thêm khoảng 13 ngàn ô-tô (tổng số 90 ngàn xe) và trên 43 ngàn xe máy (tổng số gần 930 ngàn xe) trong khi số người tham gia xe buýt thấp. Tình trạng đậu đỗ ô-tô trên nhiều tuyến phố làm giảm đáng kể lưu thông trong khi tiến độ đầu tư các bãi đỗ ô-tô công cộng rất chậm. Theo quy hoạch toàn TP có 19 bãi đỗ xe nhưng hiện mới hoàn thành được 1 công trình tại 255 Phan Châu Trinh. Bên cạnh việc thiếu giải pháp kiềm chế, cắt giảm giao thông cá nhân thì việc đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm vẫn chậm so với kế hoạch, nổi bật như các nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng.

 Không chỉ giao thông mà hạ tầng cấp thoát nước cũng đang quá tải, đặc biệt khu vực ven biển phía Đông TP, nơi tập trung hạ tầng du lịch dày đặc. Vào mùa nắng thiếu nước sinh hoạt, mùa mưa nước thải không được thu gom hết tràn ra biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới du lịch. Trong khi đó, tiến độ triển khai một số công trình, dự án cấp bách về cấp thoát nước, xử lý nước thải vẫn chậm. Nổi bật như tiến độ xây dựng nhà máy nước Hòa Liên chậm. Dọc ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nước thải vẫn tràn ra biển tuy nhiên công tác quản lý, giám sát về đấu nối xả thải của các nhà hàng, khách sạn, quán ăn (tổng cộng gần 900 cơ sở) còn bỏ ngỏ, đến nay chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu quản lý.  Bên cạnh đó, một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm như Âu thuyền Thọ Quang, KCN Liên Chiểu, kênh Phần Lăng... chưa có giải pháp căn cơ, xử lý triệt để. Quy trình xử lý đầu tư, chọn lựa công nghệ cho Khu liên hiệp xử lý rác chậm, lúng túng trong khi công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn tồn tại nhiều bất cập, năng lực của đơn vị thực hiện dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu gây bức xúc trong người dân. Chẳng hạn như tình trạng rác để trên vỉa hè, tồn đọng trong khu dân cư ngày càng phổ biến; phương thức vận chuyển cũ kỹ, hư hỏng, nước rỉ rác chảy xuống đường đồng thời chưa có các giải pháp ứng dụng công nghệ, nâng cấp công nghệ trong thu gom vận chuyển rác.

Một vấn đề nóng khác là công tác quy hoạch và quản lý hoạt động xây dựng. Theo thẩm tra của Ban Đô thị, HĐND TP, công tác lập quy hoạch phân khu chưa đảm bảo chất lượng, thực tế mới chỉ lập quy hoạch sử dụng đất, chưa có thiết kế đô thị đi kèm, chưa phân tích đánh giá tiềm năng phát triển, năng lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị, chưa làm tốt vai trò kiểm soát, ổn định về qui hoạch cho khu vực. Nhiều dự án quy hoạch chi tiết điều chỉnh nhiều lần, chưa đúng qui trình, khả năng đáp ứng của hạ tầng tại khu vực, đặc biệt là các dự án điều chỉnh từ căn hộ du lịch sang căn hộ ở lâu dài. Hiện toàn TP còn nhiều dự án “treo” (67 dự án) nhưng chưa được rà soát để có sự điều chỉnh và chính sách phù hợp đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện sinh hoạt, quyền lợi chính đáng của người dân tại khu vực dự án.

Quá tải hạ tầng giao thông khu vực trung tâm Đà Nẵng.  Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh giờ cao điểm.

Thiếu hạ tầng xã hội

Trong quá trình mở rộng đô thị, Đà Nẵng có nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành. Tuy nhiên, hiện nhiều khu đô thị mới dân cư sinh sống đông đúc nhưng hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa lại chưa được quy hoạch và đầu tư kịp thời. Theo báo cáo Thẩm tra của Ban Văn hóa Xã hội, HĐNT TP, một số nhà đầu tư chỉ quan tâm việc khai thác quỹ đất, chưa chú trọng việc qui hoạch và đầu tư hạ tầng xã hội để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Cũng theo báo cáo này, hàng năm số lượng học sinh các cấp tăng bình quân khoảng 8,5 ngàn học sinh. Để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo chuẩn cần bổ sung 1.593 phòng học. Dự báo 2030 dân số Đà Nẵng 1,46 triệu người, để đáp ứng qui mô học sinh cần bổ sung hơn 286 ha đất, song diện tích đất đang qui hoạch cho giáo dục chỉ có 21,8 ha.

Tương tự về hạ tầng y tế, hiện quá tải bệnh viện đang là một thách thức lớn với Đà Nẵng. Để giải quyết, TP đã có chủ trương đầu tư một số công trình y tế trọng điểm tuyến TP đồng thời mở rộng các trung tâm y tế quận huyện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án còn khá chậm. Riêng BV Phụ sản Nhi quy mô 600 giường nhưng công suất hoạt động trung bình hiện từ 1.400-1.500 giường, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Không chỉ thiếu hạ tầng xã hội mà quỹ đất cho lĩnh vực này cũng hạn chế, do đó muốn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực này cũng khó. Giải pháp được đề xuất là TP cần chuyển đổi mục đích sử dụng một số lô đất lớn để kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, hợp thửa một số lô đất lớn để làm quỹ đất cho văn hóa, giáo dục trong tương lai. Bởi lẽ TP hiện còn dư  hơn 10 ngàn lô đất tái định cư.

HẢI QUỲNH

Nội dung chính của Kỳ họp

Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 10, 11 và 12-12-2019 với các nội dung chủ yếu là: Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH, QPAN TP. Đà Nẵng năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2020. Tại kỳ họp, Chủ tịch UBMTTQVN TP sẽ báo cáo về công tác xây dựng chính quyền năm 2019 và những ý kiến kiến nghị của cử tri; UBND TP báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và đơn, thư của công dân; Thường trực HĐND TP báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và đơn, thư của công dân, kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các quyết định, thông báo kết luận của Thường trực HĐND TP. Kỳ họp cũng sẽ dành thời gian để thảo luận, góp ý vào các báo cáo KT-XH, các đề án;  xem xét thông qua các tờ trình, nghị quyết về các vấn đề KT-XH, dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố... HĐND TP cũng dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề nóng đang được cử tri và người dân thành phố quan tâm như: môi trường, quản lý trật tự đô thị, bãi đỗ xe, xe du lịch vào trung tâm thành phố... Các phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PTTH Đà Nẵng.

K.T