Khai mạc kỳ hop thứ 5 HĐND TP khóa VIII: Giải tỏa nhiều kiến nghị dân sinh

Thứ tư, 05/12/2012 00:00

>> Gia tăng nhiều loại tội phạm nguy hiểm

>> Nhiều câu hỏi “nóng” đang chờ thành phố

>> Hôm nay (4-12) khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐNDTP khóa VIII: Sẽ lấy phiếu tín nhiệm chức danh do HĐND bầu

(Cadn.com.vn) - Các vấn đề kinh tế, dân sinh liên quan nhiều đến kiến nghị của người dân đã được đề cập tới trong ngày làm việc đầu tiên hôm qua.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh , Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Ảnh: P.V

Khó chưa từng thấy

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP nói tình hình kinh tế năm qua khó khăn chưa từng thấy. Báo cáo của Ban Kinh tế- Ngân sách khẳng định đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua hụt thu ngân sách. Trong đó, ngoài sự suy giảm của công nghiệp do khan hiếm đơn hàng, tồn kho hàng, lãi suất cao, nguyên liệu tăng... thì việc đóng băng bất động sản tác động mạnh mẽ nhất. Năm 2011 khi bất động sản gặp khó nhưng nguồn thu từ đất của TP vẫn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, trong khi năm nay ước chỉ đạt 1.300 tỷ đồng. Việc suy giảm của bất động sản không chỉ tác động trực tiếp nguồn thu của TP mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới tăng trưởng các ngành khác như vật liệu xây dựng, công nghiệp xây dựng, dịch vụ nhà đất... Ước nguồn thu của TP hụt khoảng 3.650 tỷ đồng. Mặc dù khó khăn nguồn thu song TP vẫn linh động  xử lý từ nhiều nguồn để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể đã xây hàng ngàn nhà ở xã hội, tạo việc làm cho hơn 28 ngàn lao động, đẩy tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,4%... Mặc dù khó chưa từng thấy song GDP của Đà Nẵng vẫn tăng 9,1%, cao hơn Hải Phòng, xấp xỉ TPHCM.

Đặt hàng nhiều câu hỏi "nóng"

Ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng cho biết, đã tập hợp được 223 ý kiến của cử tri, đều là các vấn đề "nóng" đang mong chờ TP giải quyết. Trong đó nổi lên là việc giải tỏa, đền bù còn bất cập, sự thiếu minh bạch của các Ban quản lý dự án, việc nhận tiền đền bù còn phiền hà trong khi giá đền bù thấp, giải quyết việc làm sau giải tỏa còn chậm, nhiều dự án treo hàng chục năm gây lãng phí mà dân không có đất sản xuất, nhà cửa không dám xây dựng ổn định. 

Bức xúc không kém là tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm thiếu an toàn, các điểm ngập úng gia tăng, bệnh viện quá tải, không kiếm được việc làm. Mặc dù đang nỗ lực xây dựng TP môi trường song vẫn còn nhiều điểm "nhạy cảm" đang hằng ngày đè nặng lên người dân, có thể kể ra như ô nhiễm tại nhà máy thép DANA Ý, nhà máy xi-măng COSEVCO, trạm bê-tông 545 Hòa Thọ Tây, nhà máy thuốc lá Khuê Trung, cầu Phú Lộc, khu thủy sản Thọ Quang... Đặc biệt hơn là các điểm ngập úng đã lên tới 91 điểm, mặc dù năm nay mưa không nhiều và chỉ có 16 điểm được giải quyết, trong khi kinh phí để giải quyết các điểm còn lại rất khó khăn.

Liên quan tới những câu hỏi "nóng" những vấn đề bức xúc của người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương đã giải đáp một phần. Cụ thể như việc nhiều hộ nghèo xin chung cư 3-4 năm chưa được giải quyết, ông nói: Hiện có 1.500 trường hợp xin trong khi đó quỹ nhà chung cư của TP rất hạn chế, đang phải tập trung bố trí cho các hộ thuộc diện giải tỏa của các dự án, do vậy chưa đủ nhà chung cư để bố trí cho hộ nghèo. Với vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên, trong khi bệnh viện tuyến dưới ít người khám do không có bác sĩ giỏi, ông cho biết, TP đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường cơ sở hạ tầng, thiết bị cho bệnh viện tuyến dưới đồng thời thu hút nhân lực, luân chuyển bác sĩ về tuyến dưới để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.

  Dù khó khăn nguồn thu, nhưng thành phố vẫn linh động xử lý từ nhiều nguồn để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm (Trong ảnh: Hợp long nhịp chính cầu Rồng đúng tiến độ).

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống tội phạm

Bà Lương Nguyệt Thu - Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết tình hình tội phạm trên địa bàn TP diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là hoạt động của các băng nhóm đòi nợ thuê dẫn tới hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản. Trong năm số vụ án liên quan tới đòi nợ thuê đã gia tăng 32 vụ, 76 bị can chủ yếu là các đối tượng có tiền án tiền sự. Chính việc suy thoái kinh tế, làm ăn thua lỗ, vỡ nợ, bất tín, lừa đảo đã dẫn tới loại tội phạm đòi nợ thuê gia tăng.

Nguy hại không kém là tội phạm ma túy. Theo bà Thu loại tội phạm này đã tăng cao với 88 vụ, 115 bị can bị khởi tố (tăng 44%). Đáng báo động là tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp dạng viên, ma túy đá, thuốc có chứa tiền chất ma túy. Tình trạng này tăng cao trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và diễn ra phổ biến ở các quán bar, karaoke, nhà trọ gây bức xúc, lo lắng trong dân. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn về tội phạm trong tương lai.

Bà Lương Nguyệt Thu cho rằng, để phòng chống tội phạm hiệu quả hơn cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó trước tiên phải quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm". Mặt khác phải tăng cường quản lý nhân khẩu, kiềm chế phát sinh người nghiện mới, không để hình thành các điểm nóng về ma túy. Với các loại tội phạm đòi nợ thuê, hành xử giang hồ do suy thoái kinh tế thì công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng, hoạt động công chứng phải được đẩy mạnh hơn. Bà Thu nói, chính hạn chế trong quản lý cán bộ, nhân viên dẫn tới gia tăng số vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kim Thanh - Hải Hậu