Khai mạc Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII: Thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử

Thứ sáu, 15/01/2016 07:44

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại phiên làm việc chiều 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và Nghị quyết quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp.

Bầu cử ngày 22-5-2016

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, Ngày bầu cử là chủ nhật, ngày 22-5-2016.

Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia, trong đó có ghi: "Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến là Chủ nhật, ngày 22-5-2016" và "Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Ngày bầu cử". Tờ trình nêu rõ Nghị quyết ban hành vào thời điểm này là phù hợp với quy định tại Điều 5 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Ngày bầu cử được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử.

Thành lập Ban dân tộc của HĐND

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của HĐND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quan điểm quy định đối với cấp tỉnh ở nơi nào có Ban dân tộc của Ủy ban nhân dân thì ở nơi đó có Ban dân tộc của Hội đồng dân tộc; đối với huyện nào có Phòng dân tộc của Ủy ban nhân dân thì có Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân.

Có ý kiến cho rằng điểm b khoản 1 Điều 1 và điểm a, khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, của Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là “có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển” là không rõ nghĩa thế nào là “đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển”, liệu có phải là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nghèo đa chiều hay thế nào.

Cũng có ý kiến cho rằng đối với địa bàn trọng yếu về quốc phòng – an ninh, mặc dù có dưới 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển thì có thể vẫn cần thiết phải thành lập Ban dân tộc của HĐND.

Thu Thủy – TTXVN

Chưa trả lời được câu hỏi: Thông tin gì được tự do tiếp cận, thông tin gì thì bị hạn chế?

Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và Luật tiếp cận thông tin. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Theo đó, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin không chỉ do mình tạo ra mà còn cung cấp thông tin do mình nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Như vậy sẽ không hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Một số ý kiến đánh giá về quy định những thông tin phải được công khai vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự luật cần phải quy định đầy đủ, cụ thể thông tin nào mà cơ quan Nhà nước cần phải công khai, thông tin nào cần được tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế? Ví dụ như thông tin về đấu thầu mua sắm sửa chữa, thông tin về công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát lại các thông tin thiết yếu, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong các văn bản dưới luật, đối với các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp để đưa vào Luật nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và tính khả thi.

Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ là cơ quan Nhà nước mà còn bao gồm cả các tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Vì có nhiều thông tin của tổ chức, đơn vị này liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Về trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin, các đại biểu đề nghị cần phải quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, nhất là trong điều kiện gắn với cải cách thủ tục hành chính, không nên kéo dài thời hạn cung cấp thông tin.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, điểm cốt lõi nhất của Luật này là cần quy định rõ thông tin gì được tự do tiếp cận, thông tin gì thì bị hạn chế. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa trả lời được câu hỏi này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo quy định rõ những loại thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không tiếp cận trong dự thảo và hoàn tất công việc này trong thời gian từ nay đến tháng 3-2016 để đảm bảo chuẩn bị tốt trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11 tới.

T.T