Khai mạc sự kiện Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng năm 2025

Thứ năm, 10/04/2025 06:30

Chiều 9-4, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan ngoại giao của các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng năm 2025”. Sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (1995–2025) và hưởng ứng chuỗi hội nghị Đối thoại quan chức cao cấp SOM ASEAN - New Zealand lần thứ 32, SOM ASEAN - Anh lần thứ 4 diễn ra tại Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao tặng kinh phí ủng hộ khắc phục hậu quả động đất với số tiền 10.000 USD cho Myanmar.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại sự kiện.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh và Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Dato Sri Amran Mohamed Zin đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, quan chức cấp cao từ 10 quốc gia ASEAN và các đối tác.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh bày tỏ sự chào mừng nồng nhiệt tới các đại biểu trong và ngoài nước. Ông khẳng định sự kiện là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Đà Nẵng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Nhân dịp này, ông cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến nhân dân Myanmar và Thái Lan trước những thiệt hại nặng nề do trận động đất ngày 28-3 vừa qua, cũng như đến nhân dân Lào và gia quyến nguyên Chủ tịch Khamtay Siphandone. Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh, sau ba thập kỷ là thành viên chính thức, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển. Quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN hiện đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, hợp tác kinh tế - xã hội mở rộng, kết nối khu vực ngày càng sâu sắc.

Toàn cảnh các đại biểu tham gia sự kiện Gặp gỡ ASEAN 2025.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện của Đà Nẵng. Ông nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt khi Việt Nam kỷ niệm 30 năm gia nhập ASEAN và 50 năm kết thúc chiến tranh, là dịp để nhìn lại chặng đường hội nhập và phát triển bền vững. Đà Nẵng được ông ví như hình mẫu tiêu biểu của sự hồi sinh và đổi mới, nổi bật với "kỳ tích sông Hàn" và mô hình phát triển 5 cao: tri thức, văn hóa, thu nhập, quản trị và mức sống. Với tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng hướng tới trở thành thành phố sinh thái, thông minh, giàu bản sắc và bền vững. Là địa phương đầu tiên được thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng đang dần khẳng định vai trò tiên phong trong chiến lược phát triển vùng miền Trung. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: “ASEAN là cơ chế hợp tác then chốt của Việt Nam, với thị trường gần 700 triệu dân và GDP gần 4.000 tỷ USD. Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, tinh thần chủ động hợp tác, sáng tạo và tự cường là con đường giúp Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới”. Ông cũng đề xuất hai định hướng hợp tác trọng tâm cho các địa phương như Đà Nẵng: Một là, tận dụng thế mạnh của mạng lưới quan hệ ASEAN để phát triển bền vững; hai là, tập trung vào các lĩnh vực đột phá như tài chính, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn – lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao tặng kinh phí ủng hộ khắc phục hậu quả động đất với số tiền 10.000 USD cho Myanmar.

Trong khuôn khổ sự kiện, UBND thành phố đã trao tặng 10.000 USD hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất. Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng trao tặng 75 triệu đồng để chia sẻ khó khăn cùng người dân Myanmar.

Sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng năm 2025” kéo dài từ ngày 9 đến 11-4 tại Furama Resort. Chương trình nghị sự chính diễn ra chiều 9-4 với hội nghị chuyên đề “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng: Cơ hội tăng cường hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác ASEAN”, tập trung thảo luận các giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục. Bên cạnh đó, sự kiện còn có nhiều hoạt động đồng hành phong phú như: Triển lãm ảnh “Đà Nẵng - ASEAN”, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm du lịch tiêu biểu; giao lưu nghệ thuật giữa các quốc gia ASEAN; tham quan thực địa tại các địa điểm chiến lược của thành phố như Khu Du lịch Bà Nà, Cảng Tiên Sa, Cảng Liên Chiểu và Khu Công nghệ cao.

Lê Anh Tuấn

Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp ASEAN

Đà Nẵng được định vị là cực tăng trưởng và hội nhập quốc tế của miền Trung, hội đủ các điều kiện để trở thành điểm kết nối năng động với các đối tác trong ASEAN. Thành phố sở hữu hạ tầng hiện đại, môi trường đầu tư thuận lợi, mạng lưới giao thông chiến lược với cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và vị trí quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là cơ sở để Đà Nẵng vươn lên trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, công nghệ và giáo dục của khu vực. Trên phương diện đối ngoại song phương, đến nay Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 50 địa phương quốc tế, trong đó có 9 địa phương thuộc các nước ASEAN như Lào, Campuchia và Thái Lan. Thành phố cũng đang xúc tiến tăng cường quan hệ với các địa phương khác như Malacca, Penang (Malaysia) và Denpasar (Indonesia). Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN hiện là một trong những đối tác đầu tư quan trọng của thành phố. Singapore dẫn đầu về số lượng và quy mô dự án FDI tại Đà Nẵng với 31 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 838,6 triệu USD. Tiếp theo là Malaysia với 18 dự án có tổng vốn trên 222 triệu USD, Thái Lan với 15 dự án trị giá gần 65 triệu USD và Philippines với 8 dự án đạt 11 triệu USD. Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đà Nẵng và các quốc gia ASEAN tăng trưởng đều qua các năm. Các mặt hàng chủ lực gồm dệt may, nguyên vật liệu, linh kiện điện tử, sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp ASEAN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản, giáo dục và dịch vụ du lịch. Đáng chú ý, ASEAN là thị trường du lịch trọng điểm của Đà Nẵng với hệ thống đường bay trực tiếp kết nối thành phố đến 8 trong 10 nước ASEAN. Đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, giáo dục và hợp tác phát triển bền vững.

P.V