Khai mạc trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Trách nhiệm
Ngày 24-9, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã khai mạc trọng thể. 947 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn và các cấp công đoàn cả nước về dự Đại hội. Dự Đại hội có đại diện Văn phòng T.Ư Đảng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Dân vận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư.
Các đại biểu tham dự Đại hội thực hiện nghi thức chào cờ. |
Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Trách nhiệm”, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, quyết định những vấn đề quan trọng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn trong 5 năm tới.
Đại hội thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng và giai cấp công nhân Việt Nam, Người đã cùng Đảng lãnh đạo tổ chức Công đoàn Việt Nam, rèn luyện các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trở thành những người con ưu tú, phấn đấu quên mình cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đại hội tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, đoàn viên công đoàn đã cống hiến, lao động, chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại hội bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, người luôn dành tình cảm, sự quan tâm to lớn đối với giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam. Các đại biểu dự Đại hội đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Trong phiên khai mạc, Đại hội đã biểu quyết thống nhất bầu 30 người tham gia Đoàn Chủ tịch, 5 người tham gia Đoàn Thư ký và 9 người tham gia Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội. Đại hội thông qua chương trình làm việc và quy chế của Đại hội, báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI Bùi Văn Cường nêu rõ, 5 năm qua, nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực dần được nâng cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; một số quyền đại diện mới của tổ chức Công đoàn được xác lập, nhiều quyền lợi hợp pháp của người lao động được quan tâm và cụ thể hóa. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục phát triển về số lượng, chuyển dịch về cơ cấu, chất lượng được nâng cao và có nhiều đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự phát triển của đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ do Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới, thiết thực, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã đề ra. Hoạt động công đoàn từng bước tập trung hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên, người lao động. Tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện tin cậy của người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động.
Vị thế của tổ chức Công đoàn trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Những thành tích đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI khẳng định.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI Bùi Văn Cường cho biết, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đúc rút những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2013 - 2018; từ đó, trên cơ sở kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ qua, tiếp tục xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức Công đoàn trong 5 năm tới. Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa mới gồm các đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, luôn đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trong ngày, các đại biểu đã nghe báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2013-2018), báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và thảo luận về nội dung này.
THU THỦY – TTXVN
Chính phủ lắng nghe hiến kế của công đoàn viên
Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Diễn đàn thảo luận giữa Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và đại biểu dự Đại hội với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, diễn ra chiều 24-9. Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động với các nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, khẳng định sự đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đề cập về nội dung thảo luận của Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhắc đến năng lực cạnh tranh quốc gia là đề cập tổng hợp các yếu tố: thể chế, chính sách, năng lực vận hành nền kinh tế và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, năng suất trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, mang lại sự thịnh vượng bền vững cho quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn. Nói cách khác, bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất, mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất, với sự tham gia của mọi người, mọi ngành. Trong khi đó, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Thủ tướng đặt ra hàng loạt vấn đề, đó là nhìn nhận của các đại biểu về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới, về công tác điều hành của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và những hiến kế cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị đại biểu đánh giá về nhóm các nhân tố thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế ở nước ta trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động, việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay và sự tham gia của Công đoàn vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. P.V |