Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Nỗ lực thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Thứ ba, 22/05/2018 08:53

Đúng 9 giờ ngày 21-5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội). Trước phiên khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ dành 60% tổng thời gian của kỳ họp cho công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng quý I-2018 đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị các kịch bản để ứng phó, hạn chế các tác động tiêu cực từ các biến động của thế giới, bảo đảm nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội; sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...; nỗ lực phấn đấu, chủ động vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đã có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc.   Ảnh: TTX

Thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng

Tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo “đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới”. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, nhất là năm 2017 và những tháng đầu năm 2018; quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chủ động theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng giải quyết các vấn đề mới phát sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ.

3.463 ý kiến, kiến nghị gửi đến Quốc hội

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội. Theo báo cáo, chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội; 2.459 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.

Cử tri, nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân; vui mừng nhận thấy sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân; xử lý "trúng" những vấn đề phức tạp, "điểm nóng" gây bức xúc trong xã hội; nỗ lực, quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động xấu hơn đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em... diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng, bất an trong nhân dân.

THU THỦY

Quý I-2018, tăng trưởng 7,38%, cao nhất 10 năm qua

Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...

Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I-2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ...

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%, thể hiện rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là trong dịp lễ, Tết.

T.T