Khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hương: Tái diễn phức tạp
Được ví như là dòng sông di sản nhưng sông Hương (TT-Huế) vẫn đang ngày ngày bị "rút ruột" bởi nạn khai thác cát sỏi trái phép. Mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng đã tuần tra, phát hiện, xử lý quyết liệt nhưng vấn nạn này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp...
Các thuyền khai thác cát sỏi trái phép bị CA bắt giữ. |
Thủ đoạn tinh vi, liên tục tái phạm
Những ngày đầu tháng 3-2018, đoạn sông Hương chảy qua địa bàn các phường, xã như Bình Thành, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Vinh (TX Hương Trà), Thủy Bằng (TX Hương Thủy), Phú Mậu (H. Phú Vang) luôn "nóng" khi có nhiều đối tượng điều khiển tàu thuyền đến đây hút cát, sỏi trái phép, bất chấp các quy định và lệnh cấm của UBND tỉnh TT-Huế. Ông Nguyễn Văn Quý- Chủ tịch UBND xã Hương Thọ xác nhận, thời gian qua, chính quyền địa phương và CA các cấp đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ nhiều phương tiện vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Hương đoạn qua địa bàn xã, song tình trạng khai thác cát sỏi trộm vào ban đêm vẫn còn, đặc biệt là thời điểm từ 11 giờ đêm đến 3-4 giờ sáng hôm sau... Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép dai dẳng đã gây nên sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa, ruộng vườn của người dân sống ven bờ sông Hương. Điều đáng nói, nhiều đối tượng tỏ ra "nhờn luật", dù đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó tái phạm và hoạt động càng manh động hơn khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Mới đây nhất, ngày 9-3, cơ quan điều tra CA tỉnh liên tục phát hiện, bắt quả tang 4 thuyền đang khai thác 20 khối cát, sỏi trái phép trên sông Hương đoạn qua xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy. Các chủ thuyền bị bắt giữ gồm: Nguyễn Quang, Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Thị Tuyết và Võ Văn Kiếm (trú P. Vỹ Dạ, TP Huế). Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết mở đợt cao điểm đấu tranh với nạn khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông và bãi bồi trái phép trên địa bàn tỉnh, chưa đầy 2 tháng (từ ngày 12-1 đến 10-3), lực lượng CA đã tăng cường điều tra, phát hiện 56 vụ vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi, bắt 56 đối tượng vi phạm, lập biên bản xử lý với tổng số tiền hơn 220 triệu đồng, tịch thu hơn 200m3 cát, sỏi. Trung tá Lê Hồng Hà- Trưởng phòng Cảnh sát điều tra CA tỉnh TT- Huế chia sẻ, một bộ phận người dân do trình độ dân trí thấp, sống gắn với nghề khai thác cát sạn nhiều đời nay nên hễ bắt giữ, xử lý vi phạm hôm nay thì mấy hôm sau họ lại tái phạm vì miếng cơm manh áo.
Các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép ngày càng tinh vi, như trường hợp Nguyễn Văn C. (35 tuổi, trú Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) trực tiếp điều khiển phương tiện thủy nội địa số hiệu TTH-012.33 trang bị máy móc để hút 48m3 cát trái phép trên sông Hương, đoạn qua thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng. Qua kiểm tra, ông C. cung cấp phiếu xuất kho do Cty CP Thương mại và Dịch vụ H. P với nội dung xuất bán 80m3 cát, giá 45 ngàn đồng/1m3 nhưng phiếu không ghi cụ thể ngày tháng năm xuất bán. Ông C. thừa nhận "dùng phiếu xuất kho khống để hợp thức hóa, cung cấp khi có đoàn kiểm tra". Giám đốc CA tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính ông C. 35 triệu đồng về hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh TT-Huế vào tháng 12-2017, đại biểu Huỳnh Cư- Bí thư Thành ủy Huế hỏi: Có hay không sự bao che, dung túng, tiếp tay của lực lượng chức năng dẫn đến tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông Hương vẫn diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong nhân dân, UBND tỉnh có giải pháp gì để hứa với nhân dân là chấm dứt được tình trạng này? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Văn Thông- Giám đốc Sở TN & MT tỉnh TT- Huế cho rằng: tỉnh và các ban ngành đã nghe thông tin này, tuy nhiên, việc có hay không về việc bao che, dung túng và tiếp tay để khai thác cát sạn trái phép cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nếu có sẽ xử lý nghiêm để làm gương và làm trong sạch cho lực lượng làm chức năng quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động khai thác cát trái phép. Theo ông Thông, để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Kết quả đã ngăn ngừa, phát hiện và xử lý cơ bản tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép nhất là các đoạn sông có lập trạm...
Lực lượng CSĐT làm việc với các chủ thuyền khai thác trái phép trên sông Hương. |
Mong được chuyển đổi nghề nghiệp
Anh Ngô Văn T. (33 tuổi, trú xã Phú Mậu, H. Phú Vang)- một người có thâm niên trong nghề khai thác cát sạn lòng sông Hương sau khi bị lực lượng chức năng bắt giữ và xử phạt hành chính cho biết, do không biết chữ nên sống bằng nghề này từ lâu. Nếu vào mỏ của doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải đóng tiền đảm bảo lần đầu lớn (quy định của chủ mỏ- P.V), giá cát tại mỏ lại cao, không cạnh tranh và lợi nhuận thấp nên đã khai thác cát trái phép. Anh T. đề xuất cần có mỏ khai thác của cộng đồng để những người như anh được vào khai thác, mưu sinh. Tương tự, ông H. (trú P.Vỹ Dạ, TP Huế) sau khi bị xử phạt cho biết, ở xóm ông đã có một số người bán thuyền, chuyển qua đi phụ thợ hồ, làm việc thời vụ nhưng rất bấp bênh. "Nếu không khai thác cát sạn để kiếm sống thì gia đình tui không biết làm gì. Mong cơ quan chức năng lập một mỏ khai thác cộng đồng hoặc hỗ trợ những người như tôi chuyển đổi nghề nghiệp"- ông H. nói.
Ông Hồ Đắc Trường- Phó Giám đốc Sở TN & MT cho biết, xử lý triệt để nạn khai thác cát sạn là nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài. "Ngoài việc xử lý vi phạm, chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh mở rộng mô hình khai thác cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho các hộ có phương tiện làm nghề khai thác cát sạn lòng sông có thu nhập chính đáng, tránh khai thác trái phép. Bên cạnh đó, tạo việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề là cần thiết nhằm đảm bảo người dân có thu nhập ổn định, không tham gia khai thác cát sạn trái phép. Chúng tôi đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP Huế thống kê, xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho các hộ có nhu cầu".
H.LAN