Khai thác đất, đá gây mất an toàn hồ chứa nước Trà Cân

Thứ ba, 17/07/2018 16:00

Thời gian qua, nhiều người dân tại xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) lo âu trước việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Cty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát (CTHLP) tận thu nguồn đất san lấp, đá tảng lăn tại dự án chăn nuôi nông lâm nghiệp kết hợp của hộ ông Huỳnh Thanh Xuân, tại thôn Phú Hải (Đại Hiệp) gây nguy cơ mất an toàn đối với hồ chứa nước Trà Cân.

Toàn cảnh công trình tận thu đất, đá tại  dự án chăn nuôi nông lâm nghiệp kết hợp của hộ ông Huỳnh Thanh Xuân. 

Theo tìm hiểu, hồ chứa nước Trà Cân được xây dựng vào năm 1983 theo dạng hồ treo, có độ cao 100m so với mực nước biển với dung tích hơn 2 triệu m3 nước, đảm bảo nước tưới 100 ha lúa, hoa màu trên địa bàn xã Đại Hiệp và được giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Hiệp quản lý, khai thác. Năm 2009, hồ Trà Cân xảy ra sự cố sạt lở tràn về phía Nam và Nhà nước phải đầu tư 20 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ, đập chính, đập phụ nhằm đảm bảo an toàn cho hồ. Nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nước, các cơ quan chức năng đã tiến hành giao đất rừng cho các hộ dân sống xung quanh tổ chức trồng rừng, bảo vệ rừng, trang trại và hộ ông Huỳnh Thanh Xuân được giao 40.786m2 tại khu vực cách chân đập Trà Cân khoảng 500m xây dựng trang trại chăn nuôi bò và ngày 30-7-2009 được UBND H. Đại Lộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AQ284268. Năm 2014, hộ ông Xuân có nhu cầu mở rộng quy mô trang trại nên lập hồ sơ gửi đến các cơ quan chức năng xem xét. Tháng 10-2014, Phòng NN & PTNT H. Đại Lộc có công văn đồng ý cho phép mở rộng quy mô trang trại theo đề án chăn nuôi nông lâm nghiệp kết hợp, cụ thể: xây dựng khu nuôi gà, bò, dê, ao cá, trồng cây lâu năm... Căn cứ hồ sơ được lập, ngày 3-3-2016, UBND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 80 v/v thỏa thuận địa điểm và ngày 28-9-2016 ban hành Quyết định số 3402 phê duyệt chi tiết dự án trang trại chăn nuôi nông lâm nghiệp kết hợp của hộ ông Huỳnh Thanh Xuân tại xã Đại Hiệp. Thực hiện dự án, ông Huỳnh Thanh Xuân đã hợp đồng với CTHLP tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng trang trại. Do lượng đất, đá dư thừa quá lớn nên CTHLP lập thủ tục xin khai thác, bán cho các đơn vị có nhu cầu. Ngày  l6-5-2017, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 1697 cho phép CTHLP khai thác đất san lấp, xây dựng công trình dư thừa trong quá trình xây dựng dự án trang trại chăn nuôi của ông Huỳnh Thanh Xuân với số lượng 138.338m3, thời gian khai thác là 21 tháng và ngày 17-5-2018 ban hành Quyết định số 1560 cho phép CTHLP được khai thác tảng đá lăn, với khối lượng 20.000m3. Tuy nhiên, dư luận tại Đại Hiệp không đồng tình với việc cho phép CTHLP khai thác đất, đá vì lý do: Gây mất an toàn đến đập Trà Cân khi mưa lũ xảy ra. Theo ông Phạm Thành Sự-Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Hiệp: Do vị trí khai thác đất, đá cách chân đập, bờ đập chính, tràn xả lũ khoảng 200m và lượng khai thác quá lớn đã phá vỡ hiện trạng địa hình khu vực bảo vệ hồ chứa, xét về lâu dài, tình trạng sạt lở không thể tránh khỏi, ảnh hưởng đến tràn xả lũ và đập chính...

Ngày 6-7-2018, làm việc cùng chúng tôi, ông Đỗ Thanh Cảng- Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết: Trong thời gian CTHLP thực hiện dự án, UBND xã đã nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân nên tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đã yêu cầu CTHLP phải chừa taluy, kè đá gia cố phía suối Trà Cân và thực hiện việc thu hồi đất đúng vị trí cho phép và có báo cáo gửi các cơ quan chức năng có hướng xử lý. Và, theo báo cáo số 32, ngày 10-4-2018 của Phòng TN-MT H. Đại Lộc: Việc khai thác đất, đá tại dự án chăn nuôi nông lâm nghiệp kết hợp của hộ ông Xuân có vị trí quá gần khu vực suối thoát nước của hồ Trà Cân đã tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, gây bồi lấp khu vực hạ du... và qua kiểm tra đã xác định CTHLP tổ chức khai thác ra ngoài phạm vi cho phép với diện tích khoảng 3.000m2, yêu cầu dừng ngay khai thác ngoài giới hạn và có biện pháp khắc phục...

Để xác định việc tận thu đất san lấp, đá tảng lăn tại dự án chăn nuôi nông lâm nghiệp kết hợp của hộ ông Huỳnh Thanh Xuân có gây nguy cơ mất an toàn đối với hồ chứa nước Trà Cân hay không? Các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần có nhiều buổi làm việc để  thu thập thông tin, đánh giá một cách khoa học..., đưa ra những biện pháp khắc phục hữu hiệu nhằm đảm bảo tính an toàn cho hồ nước, tránh tình trạng sạt lở xảy ra, và bảo đảm sự an toàn của hàng ngàn hộ dân sống phía hạ du đập Trà Cân.

M.T