Khám chữa bệnh BHYT qua ý kiến các nhà chuyên môn
(Cadn.com.vn) - Sáng 29-6, liên ngành Y tế-Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng và các ngành liên quan tổ chức cuộc họp đánh giá 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Cuộc họp diễn ra nhân Ngày BHYT Việt
Đang vào quỹ đạo...
Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay sau khi luật có hiệu lực, ngành Y tế đã triển khai các hoạt động tại các cơ sở y tế, trực tiếp tìm cách tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho cơ sở về công tác khám chữa bệnh BHYT. Sở đã chỉ đạo chuyển đầu thẻ BHYT 4 xã cánh bắc của Trung tâm Y tế H.Hòa Vang là Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc cho Trung tâm Y tế Q.Liên Chiểu đảm nhận để nhân dân tránh phải đi xa; đồng thời chuyển số trẻ em 2 quận Thanh Khê và Hải Châu về cho khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng nhằm tránh quá tải cho 2 địa phương nói trên.
Đối với một số dịch vụ kỹ thuật (DVKT), Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng mức giá phù hợp với các điều kiện của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trình UBND thành phố phê duyệt triển khai đến các cơ sở KCB thực hiện theo từng phân hạng bệnh viện. Đối với các bệnh viện hạng 3 nhưng có một số DVKT làm được tương đương với với bệnh viện hạng 2 hoặc hạng 1 thì tiến hành thẩm định chặt chẽ trước khi cho phép triển khai.
Hiện tại, các bệnh viện cũng đang đẩy mạnh cải cách việc cung ứng dịch vụ và áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, chống quá tải tại bệnh viện; phát triển kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng KCB tại cơ sở, giảm tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Để làm được điều đó, ngành Y tế đã tăng cường nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng mới khu khám bệnh tại một số bệnh viện như Bệnh viện Mắt, các Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Thanh Khê nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân.
Qua 1 năm, đã có gần 1 triệu lượt bệnh nhân đến KCB, trong đó có gần 432.000 lượt bệnh nhân khám BHYT và gần 80.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú BHYT. Theo kết quả phân bổ đầu thẻ BHYT tại TP Đà Nẵng thì tỷ lệ đầu thẻ thực hiện tại tuyến quận, huyện, xã, phường chiếm tỷ lệ cao (67,49%), trong khi đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện nay đạt 70,89%, cao hơn so với cả nước (khoảng 62% dân số) và có khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Một thế mạnh nữa là tại Đà Nẵng, BHYT được triển khai cả ở hệ thống bộ, ngành, công và tư. Tuy hiện tại các bệnh viện bộ, ngành, tư nhân chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, khoảng 15,68% đầu thẻ nhưng đã góp phần trong việc giảm tải và người dân tham gia BHYT có quyền lựa chọn cho mình những dịch vụ hợp lý về y tế.
Ông Lê Văn Lịch, Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng thừa nhận, với quy định của Luật BHYT, cơ quan BHXH thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc phát thẻ BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn sớm hơn luật định, đặc biệt là 2 nhóm đối tượng được đưa vào lộ trình BHYT bắt buộc là trẻ em dưới 6 tuổi và HSSV.
Theo thống kê từ phía BHXH, đã có hơn 1,5 triệu lượt bệnh nhân đến KCB BHYT trong vòng 1 năm qua với chi phí thực tế lên đến hơn 300 tỷ đồng. Ông Lịch đưa ra nhận xét, Luật BHYT được thực hiện về cơ bản người có thẻ BHYT đã được hưởng thụ các dịch vụ y tế hiện có tại các cơ sở KCB công lập. Người có thẻ BHYT có nhiều quyền lựa chọn cơ sở KCB và hình thức cung ứng dịch vụ y tế. Các cơ sở KCB, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa đã chủ động hơn trong việc tiếp nhận người bệnh đến KCB theo hình thức BHYT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPĐN Võ Duy Khương tặng bằng khen của UBND TP cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: X.L
Vận hành chưa đồng bộ
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng vì Luật BHYT có hiệu lực chỉ mới 1 năm, thuận lợi cũng có nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Về phía ngành Y tế cho rằng hiện nay, về cơ bản đã hoàn thành xong cấp thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng vẫn còn 43% số lượt KCB BHYT của đối tượng này chưa có thẻ và còn sử dụng giấy chứng sinh, gây khó khăn cho việc thống kê chi phí KCB. Mặt khác, phần mềm của BHYT chưa hòa hợp với phần mềm đang sử dụng tại một số đơn vị nên nội dung thanh toán những trường hợp trái tuyến không có trong phần mềm.
Việc thực hiện cùng chi trả đối với đối tượng bệnh mãn tính (ung thư, thận nhân tạo), bệnh nhân người dân tộc còn gặp khó khăn. Đặc biệt những trường hợp TNGT, ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế đề nghị, trước mắt thực hiện cho bệnh nhân thanh toán viện phí và lấy hóa đơn về đề nghị BHXH thanh toán nếu không có sai phạm về Luật GTĐB. BS Hồ Hiền Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho rằng, việc quản lý đối tượng BHYT hiện còn nhiều vướng mắc do tồn tại nhiều dạng mã thẻ. Việc đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT chưa được hoàn chỉnh vì trong thực tế bệnh nhân BHYT vẫn phải chi trả một số dịch vụ chưa có bảng giá.
Một số quy định thanh toán chi phí BHYT theo QĐ 82 của BHXH và Công văn 1885/BHXH-CSYT có khả năng làm tăng thêm các thủ tục hành chính cho bệnh nhân và bệnh viện... Ông Lê Văn Lịch đưa ra kiến nghị cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của BHXH Việt Nam, đặc biệt là Ban thực hiện chính sách BHYT mới có khả năng giúp địa phương tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh...
P.K