Khám phá thế giới ngầm yakuza (2)

Thứ sáu, 03/06/2011 00:00

>> Khám phá thế giới ngầm yakuza

Kỳ 2: Các bố già trong cơ cấu quyền lực yakuza

(Cadn.com.vn) - Cũng giống như mafia, cơ cấu quyền lực của yakuza theo hình tháp với một thủ lĩnh đứng đầu và theo sau là những thuộc hạ trung thành chia thành nhiều cấp khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống hoạt động của yakuza phức tạp hơn, trong đó quyền lực tập trung vào tay các “bố già”.

Quan hệ “cha-con”

Nguyên tắc cấu trúc hoạt động cơ bản của yakuza là mối quan hệ “oyabun-kobun” - tức quan hệ “cha – con”.

Khi một người chính thức được gia nhập vào yakuza, người đó phải chấp nhận mối quan hệ này, cam kết trung thành và phục tùng vô điều kiện các mệnh lệnh của cha - “bố già”. Các oyabun, phải nỗ lực như một người cha tốt, có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ và dạy bảo các con. Tuy nhiên, ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Nếu ông chủ của bạn nói rằng, con quạ màu trắng, bạn cũng phải chấp nhận”. Các cấp lãnh đạo trong yakuza cũng phức tạp hơn rất nhiều so với mafia. Đứng ngay dưới kumicho (lãnh đạo tối cao) là cố vấn cao cấp và lãnh đạo các trụ sở. Nhân vật số hai là wakagashira (thủ lĩnh vùng) chịu trách nhiệm quản lý nhiều băng nhóm. Dưới thủ lĩnh vùng là shateigashira - những người quản lý những băng nhóm nhỏ. Các nhân vật này thường có shateigashira-hosa  (người giúp việc) hỗ trợ. Một gia đình yakuza điển hình cũng sẽ có hàng chục shatei (các em nhỏ) và nhiều wakashu (lãnh đạo cấp dưới).

Một người muốn được gia nhập yakuza buộc phải tham gia một buổi lễ mà ở đó, người này sẽ phải trích máu từ ngón tay trỏ và nhỏ máu lên bức ảnh một vị thánh. Bức ảnh sau đó sẽ được đốt cháy trên bàn tay của người xin gia nhập trong khi anh ta thề trung thành với gia đình tội phạm. Trong lễ kết nạp của yakuza, máu được tượng trưng bởi sake (loại rượu tượng trưng cho nước Nhật). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước thế tấn công như vũ bão của cảnh sát, yakuza phải hạ thấp tiêu chuẩn khi tuyển mộ thành viên mới, khiến một số thành viên cảm nhận rằng, họ không còn được tổ chức tốt và có thế lực như trước. Trước đây, những tên cờ bạc hay ăn cắp trên đường phố là những đối tượng được ưu tiên tuyển chọn. Nhưng ngày nay, một người có tư tưởng nổi dậy và sẵn sàng phạm tội vì ông chủ thì đã được gia nhập vào yakuza. Hầu hết các thành viên mới hiện nay của yakuza đều là những bosozuku (đội mê tốc độ).

Việc hạ thấp các tiêu chí này của yakuza khiến Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật sử dụng thuật ngữ boryokudan (những tên bạo lực) cho yakuza, đánh đồng tổ chức này với các nhóm tội phạm khác. Yakuza bác bỏ thuật ngữ này và coi đó là một nỗi sỉ nhục.

 Từ trái qua - Các “bố già” Yoshio Kodama, Kazuo Taoka và Hisayuki Machii.

Các “bố già” sừng sỏ

Sau Thế chiến II, thành viên yakuza tăng lên 184.000 người và chia thành 5.200 băng trên khắp cả nước, đông hơn cả quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ. Các băng nhóm buộc phải tranh giành lãnh thổ hoạt động, dẫn đến những cuộc chiến phe nhóm đẫm máu. Người có công mang lại hòa bình giữa các phe nhóm và thống nhất tổ chức yakuza là “bố già” đầu tiên trong thế kỷ XX: Yoshio Kodama.

Kodama có khả năng cân bằng giữa các phe ở cả các nhóm chính trị cánh hữu và các băng nhóm tội phạm. Ông ta thường xuyên đưa hối lộ, làm gián điệp và các hoạt động kinh doanh bẩn thỉu khác cho phe chính trị. Vào những năm 1930 và 1940, Kodama duy trì một mạng lưới gián điệp rộng khắp ở Trung Quốc, thu thập tin tức cho chính phủ Nhật Bản. Ông ta mua các loại nguyên liệu như niken, coban, đồng, và radium để phục vụ chiến tranh và thỉnh thoảng đổi những hàng hóa này lấy heroin. Kodama  thậm chí được chính phủ Nhật Bản trao tặng danh hiệu chuẩn đô đốc cho các nỗ lực yêu nước của mình.

Tuy nhiên, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, Kodama bị xếp vào loại tội phạm chiến tranh hạng A - hạng dành cho các bộ trưởng nội các, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các quan chức quân đội cao cấp. Ông ta sau đó phải ngồi tù 2 năm trước khi được thả theo lệnh đại ân xá. Năm 1949, CIA trả cho Kodama 150.000 USD để sử dụng các mối quan hệ trong thế giới ngầm của ông ta, bí mật đưa một tàu chở vonfram ra khỏi Trung Quốc. Mặc dù chuyến hàng này không đến được nơi nó cần đến nhưng Kodama vẫn được nhận toàn bộ số tiền đó.

Một “bố già” huyền thoại khác trong thế giới yakuza là Kazuo Taoka, thủ lĩnh gia đình tội phạm lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi trong 35 năm cho đến lúc qua đời vào năm 1981. Dưới sự chỉ huy của Taoka, số thành viên của Yamaguchi-gumi phát triển lên đến 13.000 tên, hoạt động ở 36 trong tổng số 47 quận ở Nhật Bản và kiểm soát hơn 2.500 doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động cờ bạc và các Cty cho vay nặng lãi, đầu tư lớn vào thể thao và giải trí. Không giống như Kodama, người không thích bạo lực, Taoka đã sống với bạo lực suốt cả cuộc đời. Mồ côi từ bé, Taoka buộc phải làm việc trên các xưởng đóng tàu ở Kobe và được một thủ lĩnh băng nhóm địa phương Noburu Yamaguchi chú ý. Lúc còn trẻ, Taoka là một tay côn đồ hung hãn và thường sử dụng chiêu móc mắt kẻ thù. Vì vậy ông ta có biệt danh “Kuma gấu”.

Người có công mở đường cho người Triều Tiên gia nhập vào tổ chức tội phạm Nhật Bản là “bố già” Hisayuki Machii. Sinh năm 1923 dưới thời Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, Machii có nhiều tham vọng và nhìn thấy được cơ hội phát triển ở Nhật Bản. Trong khi thủ lĩnh của các tổ chức yakuza của Nhật Bản bị bắt giam hoặc bị các lực lượng Mỹ giám sát chặt chẽ, tổ chức của Machii tự do tiếp quản các thị trường chợ đen béo bở. Nhưng thay vì cạnh tranh với các bố già Nhật Bản, Machi liên kết với họ và luôn duy trì mối quan hệ thân mật với cả Kodama và Taoka. Năm 1948, Machii thành lập băng Tosei-kai và nhanh chóng tiếp quản “khu đèn đỏ” nổi tiếng Ginza ở Tokyo. Tosei-kai trở nên quyền lực được gọi là “cảnh sát Ginza”, và thậm chí cả “bố già” Taoka của băng nhóm quyền lực nhất Yamaguchi-gumi cũng phải ký kết một thỏa thuận với Machii cho phép nhóm đó hoạt động ở Tokyo. “Bố già” Machii còn ký kết được các thỏa thuận với chính phủ Hàn Quốc cho phép những tên tội phạm người Nhật Bản thành lập các khu ăn chơi ở Hàn Quốc. Nhờ Maichii, Hàn Quốc trở thành ngôi nhà thứ hai của yakuza. Bởi có công là cầu nối giữa thế giới ngầm của hai nước, Maichii giành được quyền cung cấp dịch vụ chuyên chở bằng phà lớn nhất giữa thành phố Shimanoseki, Nhật Bản, và thành phố Pusan, Hàn Quốc - tuyến đường ngắn nhất kết nối giữa hai quốc gia này.

Giữa những năm 1960, cảnh sát buộc Machii phải chính thức giải tán băng Tosei-kai. Ông ta nhanh chóng thành lập hai tổ chức khác vào khoảng thời gian này, đó là: Towa Sogo Kigyo (Cty Đông Á) và Towa Yuai Jigyo Kumiai (Hiệp hội doanh nghiệp hữu nghị Đông Á) – những tấm bình phong cho các hoạt động tội phạm của hắn. Maichii “nghỉ hưu” khi ở tuổi 80 và sau đó liên tục được nhìn thấy ở Hawaii.

Thanh Văn (Theo Trutv)
 (còn nữa)