Khám phá thế giới ngầm yakuza

Thứ năm, 02/06/2011 00:00

Kỳ 1: Hậu duệ của Samurai hay machi-yokko?

(Cadn.com.vn) - Yakuza - mafia Nhật Bản - là một trong những tổ chức tội phạm quy mô lớn trên thế giới cùng tồn tại với những băng đảng tội phạm nổi tiếng khác như mafia ở Mỹ, La Cosa Nostra tại Italia, Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông... Cũng giống như các tổ chức mafia này, yakuza thâu tóm toàn bộ hoạt động thế giới ngầm ở trong nước: buôn ma túy, tống tiền, đánh bạc, rửa tiền, kinh doanh bất động sản, mại dâm và thậm chí cả buôn bán vũ khí... Tuy nhiên, yakuza được đánh giá còn hoạt động tinh vi hơn các nhóm mafia trên thế giới.

Nguồn gốc và truyền thống

Tại một câu lạc bộ đêm ở “khu đèn đỏ” Ginza ở Tokyo, những người đàn ông trong những bộ vest đen đang phì phèo thuốc lá, uống rượu và chơi bài. Câu lạc bộ này nằm trên tầng hai của một tòa nhà nhỏ. Bên trong tòa nhà, một người thanh niên trẻ bước vào phòng, cúi đầu và tiến gần đến một người đàn ông lớn tuổi nhưng vẫn cúi gầm mặt.

Người đàn ông lớn tuổi nhìn chằm chằm vào bàn tay đã bị chặt một đốt của người thanh niên. Không khí thật căng thẳng cho đến khi người đàn ông lớn tuổi gật đầu, khuôn mặt giãn ra và ra lệnh mở hộp quà mà người thanh niên đem đến. Tất cả mọi người trong phòng đều biết chuyện gì đang xảy ra. Món quà mà người thanh niên đưa đến chính là đốt ngón tay đã bị cắt đứt của anh ta. Anh ta đã phạm lỗi vì vậy sẽ phải tự chặt một đốt ngón tay  đem dâng lên ông trùm như một cử chỉ hối lỗi. Đó là một trong những quy luật của tổ chức yakuza Nhật Bản.

“Khu đèn đỏ” Ginza ở Tokyo. Ảnh: AP 

Hiện nay, nguồn gốc của yakuza vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi. Một số người cho rằng, yakuza là hậu duệ của các samurai tàn ác ở thế kỷ XVII- những chiến binh có lối ăn mặc và kiểu tóc kỳ quái; nói tiếng lóng, và đeo những thanh kiếm dài khác thường ở đai lưng. Các Samurai này cũng được biết đến dưới cái tên “lính của tướng quân”. Dưới triều đại Tokugawa, nước Nhật thái bình, các chiến binh Samurai không được trọng dụng và trở thành đội quân tự do. Không có tổ chức, lãnh đạo vững mạnh, họ cuối cùng chuyển tập trung sang nghề trộm cắp và trở nên lộn xộn từ đó. Tuy nhiên, các thành viên yakuza hiện đại bác bỏ giả thuyết này và khẳng định họ là hậu duệ của machi-yokko - những người chuyên bảo vệ các ngôi làng, quê hương trước sự tấn công của bọn Hatamoto-yakko.

Các thành viên yakuza ngày nay được chia làm 3 nhóm chính: Tekiya (những tên ăn cắp vặt trên đường phố), Bakuto (những con bạc), và Gurentai (những kẻ lưu manh côn đồ). Những tên ăn cắp vặt và con bạc xuất hiện từ thế kỷ XVIII trong khi những tên lưu manh mới ra đời sau Thế chiến II, khi nhu cầu cho thị trường hàng hóa chợ đen bùng nổ. Theo truyền thống, những tên tekiya hoạt động ở các chợ và hội chợ thì bakuto chủ yếu “làm việc” ở các thành phố sầm uất và tuyến đường cao tốc. Trong khi đó, những tên gurentai tổ chức giống như các băng nhóm ở Mỹ dưới thời “bố già của các bố già” Al Capone. Những tên gurentai thường đe dọa và tống tiền để đạt được các mục đích. Sau Thế chiến II, khi nước Nhật đang yếu thế trước các cường quốc chiếm đóng, những kẻ lưu manh có cơ hội phát triển và ngày càng đông đảo. Họ cũng đưa loại hình tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản lên một nấc thang bạo lực mới, thay thế cho những thanh kiếm truyền thống là các khẩu súng hiện đại, mặc dù luật pháp Nhật quy định sử dụng súng sẽ bị bắt.

 Các thành viên yakuza ở Nhật thường xăm mình để tỏ lòng trung thành.
Ảnh: Getty Images

Tự hào là “những kẻ bị xã hội ruồng bỏ”

Bất chấp những việc làm này, yakuza vẫn tự hào về mình – tập hợp “những kẻ bị xã hội ruồng bỏ”. Bản thân tên gọi “yakuza” cũng phản ánh việc tự nhận thức của tổ chức về sự chối bỏ của xã hội. Các thành viên yakuza tự ví mình là “những phần tử xấu” của xã hội, giống như cách những tên tội phạm ở Mỹ xăm khẩu hiệu “sinh ra để thua” trên bắp tay.

Bất kỳ kẻ nào gia nhập yakuza đều buộc phải xăm mình như một nghi thức thể hiện sự gắn bó. Hình các con rồng, các loại hoa, phong cảnh núi non, biển động, phù hiệu của băng nhóm và các hình vẽ trừu tượng là những thứ mà các thành viên yakuza thường chọn để xăm. Mỗi lần lập chiến tích, yakuza được nhận thêm một hình xăm mới. Kẻ nào phạm lỗi sẽ phải tự chặt một đốt ngón tay gói vào mảnh lụa đem dâng lên ông trùm xin tha lỗi. Đối với những tên yakuza lừng lẫy hoặc già đời, diện tích hình xăm có thể phủ hết toàn thân chỉ chừa 2 cánh tay và cổ. Việc xăm trổ này thường gây ra những đau đớn và có thể phải mất đến hàng trăm giờ, nhưng nó lại được coi là một bài kiểm tra bản lĩnh của một thành viên yakuza.

Tuy nhiên, ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Ngày nay, thay những bộ trang phục buồn cười từ những năm 1950 của yakuza là những bộ vest láng cóng, đôi giày mũi nhọn và mái tóc hơi dài vuốt keo theo kiểu Mỹ. Yakuza cũng yêu thích những chiếc ô-tô sang trọng, đắt tiền của Mỹ  như Cadillacs và Lincolns. Tuy nhiên, không giống như các nhóm tội phạm có tổ chức khác trên thế giới, yakuza không muốn ẩn mình. Thật vậy, ở hầu hết các thành phố của Nhật Bản, các câu lạc bộ xã hội của yakuza và trụ sở chính của băng thường được đánh dấu rõ ràng với những ký hiệu và biểu tượng nổi bật.

Nhưng đừng vì phong cách sặc sỡ này mà có thể xem nhẹ yakuza. Ở Nhật Bản, yakuza có 110.000 thành viên thường xuyên hoạt động, được chia thành 2.500 gia đình. Trong khi đó, ở Mỹ - nơi có số dân gấp đôi Nhật Bản - chỉ có tổng cộng 20.000 thành viên của tất cả các tổ chức tội phạm. Ảnh hưởng của yakuza rộng hơn và được chấp nhận trong xã hội Nhật Bản hơn so với giới tội phạm có tổ chức ở Mỹ. Yakuza thậm chí còn thiết lập mối liên minh chính trị vững chắc và lâu dài với giới cánh hữu ở Nhật Bản. Ảnh hưởng của yakuza vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản đến các nước Châu Á khác, và thậm chí cả Mỹ.

Thanh  Văn (Theo Trutv)
(còn nữa)