Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động
* Bạn đọc hỏi: Bà Trần Thị P., trú tại H.Chư Prông (Gia Lai), hỏi: Năm 2017, tôi có ký hợp đồng lao động với Công ty A.. Từ đó đến nay, Công ty A. chưa bao giờ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tôi và những người lao động (NLĐ) khác. Vậy cho tôi hỏi việc công ty này không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì hình thức xử lý như thế nào?
* Luật sư Nguyễn Thị Sáu Hạnh - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hằng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ; đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi thì được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Ngoài ra, khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Hồ sơ, thủ tục, nội dung khám sức khỏe, phân loại sức khỏe định kỳ cho NLĐ được thực hiện theo hướng dẫn chi tiết tại Chương II Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Công ty A. có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng khi có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ (trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ nhưng NLĐ không muốn khám).
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 02363 572 456, 0903 573 138