Khẩn cấp bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm
Ngày 21-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ”.
Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có nhiều loại cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao. |
Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nhu cầu sử dụng dược liệu ở Việt Nam vào khoảng 60.000 – 80.000 tấn dược liệu/năm. Sản xuất, kinh doanh dược liệu mang lại nguồn lợi cho kinh tế của địa phương, cung cấp nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc. Tuy nhiên, Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên dược liệu, mà lượng lớn dược liệu vẫn phải nhập để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển dược liệu mà khoa học và công nghệ (KH&CN) được xem là một trong các giải pháp trọng tâm... Hiện nay, các ứng dụng KH&CN đang được tập trung vào một số lĩnh vực để phát triển dược liệu như: điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu, nghiên cứu bảo tồn và phát triển các nguồn gen có giá trị, nghiên cứu chọn tạo giống, xây dựng quy trình trồng theo GACP, xây dựng mô hình trồng... Tuy vậy, việc ứng dụng KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chưa tạo được nhiều đột phá trong công tác phát triển dược liệu cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ...
Cũng theo Viện Dược liệu, vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là nơi có nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loại cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao. Theo kết quả thống kê gần đây, ở Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc và hơn 1.000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung Bộ. Đây thực sự là một kho tàng vô giá và tiềm năng lớn để khai thác và phát triển phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội. Trong số các loại cây thuốc ở đây có nhiều loại cây thuốc có giá trị, có tiềm năng khai thác và phát triển tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Nhiều loài đã trở thành những loài đặc trưng có thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên động vật, kháng vật, sinh vật biển cũng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu, khai thác, phát triển còn hạn chế so với tiềm năng của khu vực này. Thực tế cho thấy, tình hình khai thác dược liệu tự nhiên nhiều năm không chú ý đến bảo vệ tái sinh nên nhiều loại cây thuốc đã bị cạn kiệt và được đưa vào danh mục cần bảo tồn. Chính vì vậy, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm bảo tồn các nguồn gen quí, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có tiềm năng lớn về phát triển dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định: Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là hai vùng phát triển có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó đã tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu mới phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, ngành dược liệu của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Bên cạnh đó, các nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế, chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu.
L.HÙNG