Khẩn cấp cứu nạn 13 ngư dân trên tàu câu mực của Quảng Nam bị chìm tại Song Tử Tây

Thứ tư, 18/10/2023 07:35
Trước việc 2 tàu câu mực của Quảng Nam bị chìm khiến hàng chục người mất tích, ngày 17-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 970/CĐ-TTg về việc tổ chức TKCN các ngư dân trên 2 tàu cá bị chìm tại khu vực đảo Song Tử Tây. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPSCTT&TKCN), các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, khẩn trương TKCN các ngư dân trên 2 tàu cá trên.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cần tranh thủ 24 giờ vàng để tiếp cận và cứu ngư dân.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có mặt tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp để chỉ đạo tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Tại Quảng Nam, ngoài việc thành lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp, ngay trong sáng 17-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn gửi Ủy ban quốc gia ƯPSCTT&TKCN đề nghị chỉ đạo các lực lượng chức năng điều động các tàu khẩn cấp đến khu vực tàu cá gặp nạn TKCN, cứu hộ. Đến 17 giờ ngày 17-10, lực lượng chức năng cho biết, vẫn còn 13 ngư dân mất tích.

2 tàu câu mực vươn khơi gặp nạn

Đại tá Trần Tiến Hiền – Chỉ Huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 19 giờ 30 ngày 16-10, tàu cá QNa 90129 TS do ông Lương Văn Viên (1976, trú xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam) chủ tàu kiêm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động đang hoạt động tại tọa độ 13°37'N-114°39'E (cách mũi An Hòa, Núi Thành khoảng 370 hải lý về hướng Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây/Trường Sa khoảng 132 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc) thì bị lốc xoáy làm chìm tàu.

Lúc này tàu cá QNa 90039 TS do ông Lương Văn Cam (1972, cùng trú tại Tam Giang, H.Núi Thành) làm thuyền trưởng; hành nghề câu mực đang hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 40 thuyền viên, 14 ngư dân còn lại mất tích. Ngoài việc tiếp tục tổ chức tìm kiếm, tàu QNa 90039 TS còn kêu gọi các tàu cá hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân. Sau nhiều giờ tích cực tìm kiếm, đến 11 giờ ngày 17-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cứu vớt được 2 ngư dân trên tàu cá QNa 90129 TS là Lương Hùng Vương (1985), Đỗ Văn Hải (1978) - cùng trú xã Tam Giang. Tuy nhiên, do ngâm mình dưới biển quá lâu, sức khỏe suy kiệt nên 2 ngư dân Đỗ Văn Hải và Lương Hùng Vương đã tử vong ngay sau đó. Hiện thi thể các ngư dân được bảo quản để đợi tàu cứu hộ đưa vào bờ bàn giao gia đình lo hậu sự.

Tàu cá QNa 90129 TS do ông Lương Văn Viên trước lúc vươn khơi.

Không chỉ tàu cá QNa 90129 TS của ông Lương Văn Viên gặp nạn mà lúc 1 giờ ngày 17-10, tàu cá QNa 90927 TS do ông Trần Công Trường (1981, cũng trú xã Tam Giang) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 39 lao động đang hoạt động tại tọa độ 13°32'N-113°27'E (cách bờ biển TP Quy Nhơn, Bình Định khoảng 240 hải lý về hướng Đông Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc) thì bị sóng đánh chìm. Cũng may lúc đó có tàu cá QNa 91782 TS do ông Trần Văn Kỵ (1982, trú tại Tam Giang) làm thuyền trưởng hành nghề câu mực đang hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên, còn ngư dân Nguyễn Duy Định (1960, trú thị trấn Núi Thành) mất tích. Tàu QNa 91782 TS tiếp tục tổ chức tìm kiếm và kêu gọi các tàu cá hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm.

Trước sự việc trên, ngay trong sáng 17-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở Chỉ huy TKCN khẩn cấp đóng tại Đồn Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà (H.Núi Thành) do ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban cùng các lực lượng chức năng phối hợp chỉ đạo xử lý.

Theo đó, Ban chỉ đạo đã huy động 11 tàu cùng các tàu của ngư dân đang hoạt động gần khu vực tiếp tục tìm kiếm người mất tích, trong đó có 2 tàu kiểm ngư, 1 tàu Vạn Hoa của Hải quân Vùng 4, Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại xã Tam Quang, H.Núi Thành) cũng đã điều tàu CBS8002 phối hợp với 7 tàu đánh cá của ngư dân. Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có Công văn số 7065 đề nghị Ủy ban quốc gia ƯPSCTT&TKCN chỉ đạo Vùng 4 Hải quân, Trung tâm phối hợp TKCN Khu vực 4 và Cảnh sát biển huy động lực lượng hỗ trợ tìm kiếm các ngư dân mất tích…

Nước mắt người thân

Trưa 17-10, dù trời mưa lớn nhưng ngôi nhà của ngư dân Lương Văn Viên - chủ tàu QNa-90129 TS ở thôn Đông An (xã Tam Giang) hối hả người ra vào. Trong nhà, hàng chục người phụ nữ với gương mặt thất thần, lo lắng, đang trông ngóng từng phút tung tích của người thân bị mất tích trên biển. Với đôi mắt ngấn lệ, bà Nguyễn Thị Tuận (vợ ngư dân Viên) cho hay, tàu của gia đình xuất bến khoảng 10 ngày trước. “Chiều hôm qua, ông Viên gọi về thông báo, ngoài biển mưa lớn, mấy anh em nghỉ ngơi trên tàu, không ai xuống thúng… Đến 3 giờ sáng, chị dâu gọi điện thông báo tàu chìm, 14 người mất tích, tôi đứng ngồi không yên. Cầu mong sao cứu được càng nhiều người càng tốt”- bà Tuận nghẹn ngào nói.

Đông đảo người dân đến gia đình ngư dân Lương Văn Viên để nghe ngóng thông tin người thân bị mất tích.

Gần đó, nhiều người cũng đến chia buồn với gia đình ngư dân Đỗ Văn Hải. Anh Đỗ Văn Quang (con trai của ngư dân Đỗ Văn Hải) cho hay, sáng cùng ngày, anh Quang nhận được tin báo cha mình mất tích khi đang hành nghề trên biển. Tay chân anh như rụng rời; nhiều người hàng xóm cũng đến động viên gia đình. Đến 11 cùng ngày, gia đình anh Quang vỡ òa vui mừng khi nhận tin ông Hải là một trong hai người vừa được cứu vớt lên trên biển. Thế nhưng chỉ vài phút sau, gia đình anh Quang nhận được hung tin ông Hải bị ngâm nước trên biển nhiều giờ nên sức lực cạn kiệt, không qua khỏi…

Anh Đỗ Văn Quang mắt ngấn lệ khi nghe tin cha mình bị nạn.

Được biết, những người đi chung trên tàu của ngư dân Lương Văn Viên đa số đều trú xã Tam Giang, trong đó nhiều người là người thân, anh em với nhau. Như gia đình ông Hải có 3 người đi trên con tàu bị chìm, gồm ông Hải, em ruột ông Hải là ông Đỗ Văn Trung và người cháu gọi bằng cậu Đinh Văn Phương. Trong đó, ông Trung đã được thuyền bạn cứu sống lúc tàu mới chìm, ông Hải thì đã tử nạn còn anh Phương vẫn đang mất tích…

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với cơ quan chức năng để nắm bắt tình hình, đồng thời yêu cầu các lực lượng cơ động khẩn cấp đến khu vực tàu bị nạn để ứng cứu, nhất là những tàu cá của ngư dân Quảng Nam đang hoạt động gần đó phối hợp tìm kiếm nạn nhân. Các tàu bị nạn giữa biển khơi bao la nên gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Chính vì thế Quảng Nam kính đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan và Ủy ban quốc gia ƯPSCTT&TKCN khẩn trương có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm các nạn nhân gặp nạn.

Trần Tân

Tận dụng "thời gian vang" để cứu ngư dân

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cần tranh thủ 24 giờ vàng để tiếp cận và cứu ngư dân.

Chiều 17-10, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã vào Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đồn Biên phòng Cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam để chỉ đạo việc tìm kiếm ngư dân trên 2 tàu cá chìm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu: “Trước hết các lực lượng chúng ta đang điều ra cố gắng tiếp cận sao nhanh nhất vị trí. Tính toán khoanh vùng nhanh nhất để tiếp cận vùng có thể cứu được nhanh nhất. Thời gian vàng chúng ta không còn nhiều. Thời gian vàng chúng ta còn khoảng đến 2, 3 giờ chiều mai, tức là chúng ta còn 24 tiếng tính từ bây giờ. Cố gắng làm sao trong thời gian vàng này tiếp cận hiện trường, cứu được càng nhiều ngư dân càng tốt”.