Khẩn trương điều tra, xử lý các vụ phá rừng, chống người thi hành công vụ

Thứ ba, 11/09/2018 06:30

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng, chống người thi hành công vụ tại các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai và Đam Rông. Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các đoàn công tác xuống hiện trường, kiểm tra tình hình thực tế trước khi có các chỉ đạo trên.

Đối với vụ phá 3,9ha rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, H. Đam Rông, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện khẩn trương thực hiện việc điều tra xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đình chỉ công tác đối với cán bộ, viên chức liên quan của đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn và lãnh đạo UBND xã Phi Liêng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, sai phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Đối với vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng tại H. Lâm Hà và khai thác rừng trồng trái phép tại H. Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng giao Công an tỉnh khẩn trương điều tra, củng cố chứng cứ, làm rõ vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng xảy ra ngày 21-8  để xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm tăng cường tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. UBND tỉnh Lâm Đồng  UBND H. Đạ Huoai chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan   chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép 223 cây sao, dầu  với khối lượng gỗ thiệt hại gần 56m3, thuộc rừng trồng từ năm 1993 do Cty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý.

Các vụ việc phá rừng để lấn chiếm đất ở, đất sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng diễn ra có tính chất nghiêm trọng, hành vi công khai và có tính chất manh động. Đối với 2 diện tích rừng thông 30 tuổi bị phá ở thị trấn Nam Ban, trong Báo cáo số 123 ngày 4-9-2018 của Hạt Kiểm lâm H. Lâm Hà có nêu: “Theo báo cáo của cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn thì việc phá rừng trên do một băng nhóm “xã hội đen” tại thị trấn Nam Ban tổ chức. Việc phá rừng vào ban đêm, khi phá thường có từ 10-20 người mang mã tấu vừa đứng canh chừng lực lượng chức năng, vừa đe dọa không cho người dân tại khu vực rừng bị phá báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền... Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đề nghị UBND huyện giao Công an huyện tập trung đấu tranh với vi phạm có tổ chức và băng nhóm trong việc phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn...”.

Dư luận đang cho rằng các vụ việc vi phạm những quy định về quản lý và bảo vệ rừng có sự “tiếp tay” của cán bộ chính quyền địa phương và chủ rừng. Cụ thể vụ phá rừng phòng hộ tại xã Phi Liêng, H. Đam Rông, khu vực rừng bị phá nằm trong một dự án sản xuất do một cán bộ trước đây công tác ở một đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên rừng của huyện này, nay đã chuyển công tác lên tỉnh đứng tên.

TTXVN