Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ
Ngày 8-11, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, địa phương huy động tổng lực, nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất, đồng thời phục vụ các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Hiện nay, mực nước trên các sông ở Quảng Nam đã xuống xấp xỉ báo động I; đa số các hộ dân tại các nơi sơ tán đã quay trở về nhà an toàn, còn 100 hộ tại thành phố Tam Kỳ, 52 hộ tại H. Thăng Bình và 230 hộ tại H. Quế Sơn chuẩn bị quay trở về nhà.
Đoàn viên thanh niên CA Quảng Nam giúp Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đại Minh, H.Đại Lộc) |
Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến ngày 8-11, tại Quảng Nam mưa lũ đã làm 13 người chết, 10 người mất tích, 30 người bị thương nặng, hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại nặng, hàng trăm ngàn mét khối đất đá sạt lở làm cho một số tuyến quốc lộ như 40B, 14B, 14E... bị ách tắc giao thông. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương hỗ trợ 180 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các tuyến giao thông, công trình thủy lợi, các đoạn bờ biển, bờ sông bị hư hỏng nghiêm trọng; đồng thời hỗ trợ 500 tấn gạo và 100 cơ số thuốc. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn huy động mọi phương tiện, vật tư để khắc phục hậu quả mưa bão. Tỉnh cũng đề nghị Quân khu V huy động cán bộ chiến sĩ nhanh chóng dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt tại thành phố Hội An - nơi diễn ra nhiều hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải huy động tối đa các loại máy móc, cán bộ, kỹ sư cũng như người lao động nhanh chóng thông các tuyến đường như quốc lộ 40B, 14B, 14E... để các ngành chức năng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Dự kiến, đến sáng nay các tuyến quốc lộ bị ách tắc trên sẽ được giải tỏa. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục huy động tất cả các lực lượng vào cuộc khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm những người mất tích, hỗ trợ nhân dân sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có thiệt hại về người, nhà cửa bị hư hại, các hộ nghèo, gia đình chính sách...
Tính đến 6 giờ ngày 8-11, tỉnh Khánh Hòa còn 1 trạm biến áp 110kV Ninh Thủy và 2 trạm biến áp 110 kV của khách hàng (Hyundai Vinashin, Dệt Nha Trang Khánh Hòa) chưa khôi phục được. Về lưới điện trung, hạ thế, tỉnh Phú Yên đã khôi phục 77,8/87,6 MW, chiếm 89% công suất tải toàn tỉnh; tỉnh Khánh Hòa đã khôi phục 166,9/200 MW, chiếm 83% công suất tải toàn tỉnh; dự kiến đến 8-11 sẽ cơ bản khôi phục hoàn toàn. Các tỉnh TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã chủ động cắt điện một số nơi hiện vẫn đang bị ngập để đảm bảo an toàn và sẽ khôi phục cấp điện hoàn toàn khi lũ rút.
Ngày 8-11, lũ trên các sông ở TT- Huế đang xuống nhưng tình trạng ngập lụt trên diện rộng vẫn còn kéo dài ở các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh TT-Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là nước lũ rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó. Việc vận hành hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải đảm bảo an toàn, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa. Trong các ngày 7 và 8-11, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn TT-Huế huy động hơn 200 đoàn viên thanh niên tích cực vệ sinh, dọn bùn lũ, làm sạch các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng và Bạch Đằng dọc hai bên dòng sông Đông Ba. Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc thành lập các đội thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh, khắc phục hậu quả mưa lũ...Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ thuốc tiêu độc cho vùng ngập lụt và hỗ trợ gạo cho người dân vùng ngập lụt; các bộ, ngành sớm có kế hoạch giúp tỉnh khắc phục các công trình giao thông quốc gia bị hư hại để đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ sản xuất, ổn định cuộc sống nhân dân...
Sáng 8-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp nhằm tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và đảm bảo đời sống nhân dân sau lũ. Tại cuộc họp, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng. Tổng hợp, đánh giá thiệt hại; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
T.H