Khẩn trương phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ ba, 18/02/2014 11:30

(Cadn.com.vn) - Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện dịch cúm gia cầm đã lan ra 12 tỉnh, gồm Lào Cai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Phú Yên và Đăk Lăk.

Trong đó, Phú Yên là tỉnh thứ 10 đã công bố dịch. Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết công tác phòng chống, chốt chặn, kiểm soát gia cầm đang được các ngành chức năng khẩn trương triển khai.

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi phun hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các xe chở gia cầm vào địa phận tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam:

Ngày 19-1, dịch cúm H5N1 xuất hiện trên đàn 1.900 con vịt 31 ngày tuổi của hộ ông Ngô Diện ở xã Duy Châu. Tiếp đến ngày 21-1, phát hiện dịch cúm tại đàn vịt hộ ông Ngô Hoa và Nguyễn Viết Tuấn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Những ngày sau đó, dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ra các đàn vịt chăn thả ở lân cận các xã Duy Châu và Duy Trinh. Ngoài Duy Xuyên, từ ngày 3-2, lực lượng thú y cũng phát hiện thêm các ổ dịch cúm ở các đàn vịt nuôi của 3 hộ xã Bình Nguyên và Bình Chánh (H. Thăng Bình).

Sau khi phát hiện dịch, lực lượng thú y đã tăng cường các biện pháp khẩn cấp bao vây, dập dịch, khống chế lây lan trên diện rộng. Theo đó H. Duy Xuyên đã tiến hành tiêu hủy gần 10.000 con vịt nhiễm bệnh, bao vây tiêm phòng 60.000 con tại các xã lân cận. H. Thăng Bình tiêu hủy hơn 15.000 con gia cầm bị dịch.

Nhằm khống chế dịch lây lan, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam đã chi viện khẩn cấp 2.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid cho 2 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng như các loại bệnh nguy hiểm khác trên vật nuôi.

UBND tỉnh đã có công điện gửi lãnh đạo 18 huyện, TP và các ngành liên quan yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh chủ động cho đàn gia cầm để ngăn chặn kịp thời các ổ bệnh mới phát sinh, không để lây lan thành dịch cúm A/H5N1. Ngành Thú y tích cực hướng dẫn cách ly các đàn gia cầm bị nhiễm dịch ngay tại chuồng, thực hiện tiêm vaccine cúm gia cầm để bao vây dập tắt ổ dịch...

Đến thời điểm này, nhờ làm tốt công tác bao vây, dập dịch, các địa điểm có dịch không phát sinh thêm trường hợp mới, tình hình dịch cúm trên địa bàn các huyện trên đã được khống chế. Quảng Nam tuy chưa tái phát bệnh H5N1, tuy nhiên Quảng Ngãi-địa phương giáp ranh đã công bố dịch cúm gia cầm, để dịch bệnh không lây sang địa phương mình, ngành chức năng tỉnh đã lập Trạm Kiểm dịch động vật tại Dốc Sỏi (thuộc xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành) để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo ghi nhận của P.V sáng 17-2, tại Trạm Dốc Sỏi có 3 cán bộ túc trực cả ngày lẫn đêm để kiểm soát tình hình. Nhiệm vụ chính của trạm là kiểm tra hành chính về các loại giấy tờ liên quan, phát hiện các trường hợp vận chuyển động vật không đúng quy định, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Chỉ khi nào có tỉnh khác công bố dịch thì mới có thể cấm các xe chở gia súc, gia cầm của tỉnh đó lưu thông vào địa phận Quảng Nam.

Hơn bao giờ hết, UBND tỉnh Quảng Nam cần tăng cường các ngành chức năng như CSGT, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành thú y cho Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi và thành lập các trạm trên các tuyến đường tiếp giáp với Quảng Ngãi nhằm ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

Tiêu hủy gia cầm bị bệnh.

Quảng Trị:

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm tại biên giới phía Bắc, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã chủ động trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt tại biên giới với Lào. Lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cửa khẩu quốc gia La Lay, các cửa khẩu phụ tăng cường công tác kiểm soát, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, chăn nuôi khu vực biên giới.

Cũng nhằm chủ động khắc phục tình trạng khó khăn đang thiếu hụt vaccine tiêm phòng cúm gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo cơ sở nắm sát tình hình, kịp thời phát hiện các ổ bệnh mới, kiểm soát chặt chẽ tại các chợ đầu mối, nguồn giống...

Ngày 17–2, tin từ Sở Y tế tỉnh cho hay đã khẩn trương chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống dịch cúm gia cầm thông qua hệ thống, mạng lưới y tế từ tỉnh, huyện, xã đến từng hộ dân, thôn, bản... đồng thời triển khai các biện pháp giám sát người, gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới với Lào. Chuẩn  bị đầy đủ cơ sở vật chất, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và thuốc chữa bệnh sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở người nếu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên:

Sáng 17-2, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đã phát đi công điện khẩn yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, Y tế và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh,  kết quả lấy mẫu xét nghiệm 3 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn vịt hơn 2.000 con (đã được thiêu hủy sau đó) của gia đình ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà (cùng ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, H. Đông Hòa), cả 3 mẫu đều dương tính với virus cúm gia cầm (H5N1).

Công điện khẩn yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT và Chủ tịch UBND H. Đông Hòa khẩn trương thực hiện các biện pháp bao vây, dập tắt ổ dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng. Tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ gia cầm trong ổ dịch theo đúng quy định; tiêu độc, khử trùng ổ dịch và khu vực lân cận; quản lý chặt chẽ ổ dịch; tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho gia cầm vùng lân cận ổ dịch; đặt biển báo khu vực có dịch, nghiêm cấm mọi hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong vùng dịch. Hiện nguồn vaccine dự phòng cho cúm gia cầm đảm bảo đủ cung cấp cho các tỉnh chống dịch, song điều quan trọng nhất là các địa phương phải quyết định sớm công bố dịch bệnh.

B.Bình - Đ.Nguyễn - Bảo Hà - Nguyễn Nam

* Ngày 17-2, ông Dương Tất Thắng- Giám đốc cơ quan thú y vùng 3 - Cục Thú y cho biết, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người cơ quan thú y vùng 3 đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn.

Công tác chốt chặn, kiểm dịch tại khu vực Cửa khẩu đang được các cơ quan chức năng triển khai chặt chẽ (ảnh tại Cửa khẩu QT Cầu Treo – Hà Tĩnh).

Đặc biệt, Chi cục đã “phong tỏa” các cửa khẩu và tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A (H7N9) cúm A (H10N8), Cúm A (H6N1) và cúm A(H5N1) tại các cửa khẩu đồng thời nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới thuộc 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế.

Cũng theo ông Thắng, tại các khu vực Cửa khẩu các tỉnh thuộc cơ quan thú y vùng 3 quản lý không có việc vận chuyển gia cầm và hiện đang được các cơ quan chức năng, ban, ngành kiểm tra chặt chẽ chưa phát hiện có dịch cúm gia cầm. Hiện công tác kiểm tra, phòng ngừa dịch đang được các địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ.

V.Tuân