Khẩn trương trao hỗ trợ đến tay người dân

Thứ năm, 09/09/2021 11:33

Từ khi dịch bệnh bùng phát, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân khó khăn trên địa bàn thành phố. Bên cạnh các chính sách đã hoàn tất, hiện vẫn còn một số chính sách đang được triển khai. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 8-9, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương trao hỗ trợ đến tay người dân, không để bất kỳ trường hợp nào thiếu đói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương rà soát, xây dựng quy chế để ban điều hành tại các khu dân cư, tổ dân phố phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch.

Không ghi nhận F0 cộng đồng

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 8-9, Đà Nẵng ghi nhận 30 ca mắc COVID-19. Trong đó có 23 ca cách ly tập trung, 5 ca cách ly tạm thời, 2 ca phong tỏa và không ghi nhận ca cộng đồng.

Hiện các ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng liên quan đến 3 chuỗi chính. Trong đó chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối Hòa Cường về cơ bản đã kiểm soát được, trong ngày ghi nhận 6 ca mắc là các F1 đã cách ly tập trung. Chuỗi liên quan xét nghiệm hộ gia đình ghi nhận thêm 14 ca mắc mới, gồm 12 F1 đã cách ly và 2 ca trong khu phong tỏa. Hiện chuỗi này vẫn còn nguy cơ cao. Chuỗi lây nhiễm là F1 đã hoàn thành cách ly tập trung ghi nhận thêm 6 ca mắc mới, gồm 2 F1 đã cách ly tập trung và 4 F1 đã hoàn thành cách ly. Hiện chuỗi này có nguy cơ cao.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố cho hay, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 1.576 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong ngày, có 126 bệnh nhân xuất viện, 5 bệnh nhân chuyển viện và 2 bệnh nhân tử vong. Hiện, ngành Y tế đang tổ chức tiêm chủng cho người dân thành phố. Trong tối 8-9, 200.000 liều vaccine AstraZeneca của Anh đã về đến Đà Nẵng.

Phát huy vai trò ban điều hành khu dân cư

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, qua rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong 44 ngày, từ 26-7 đến nay con số F0 mới được kéo xuống thấp. Hiện, các ca dương tính mới chủ yếu được phát hiện trong các khu cách ly tập trung, phong tỏa. “Tuy nhiên, đây là con số giảm chưa bền vững nên chúng ta không được chủ quan, lơ là bởi nguy cơ lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, một số trường hợp lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Các ngành, địa phương, đặc biệt cấp cơ sở cần tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch từ việc kiểm soát chặt người dân, phương tiện ra vào, xét nghiệm đến cấp và kiểm soát giấy đi đường. Song song đó, phải tăng cường tuần tra, xử lý, công khai đối tượng vi phạm”, ông Quảng nhấn mạnh.

Giúp thành phố đạt được những kết quả như hiện nay, ông Quảng ghi nhận, biểu dương những đóng góp rất lớn của ban điều hành phòng, chống dịch tại các tổ dân phố, khu dân cư trong thời gian qua. Để công tác phòng, chống dịch tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Quảng đề nghị các ban điều hành này cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình.

“Vai trò ở cấp cơ sở ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Các xã, phường cần kiện toàn, củng cố, bổ sung lực lượng cho các ban điều hành; đồng thời chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng bởi công tác chống dịch sẽ còn lâu dài. Bên cạnh đó, phải đảm bảo về cơ sở vật chất để ban điều hành phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Thành phố cũng cần khẩn trương chi 3 triệu đồng cho mỗi ban điều hành để hỗ trợ thêm chi phí xăng xe đi lại; tiêm vaccine đầy đủ cho thành viên các ban điều hành, ít nhất mỗi người một mũi”, ông Quảng chỉ đạo đồng thời đề nghị các phường, xã chủ động đề xuất các cá nhân tiêu biểu trong ban điều hành để các cấp khen thưởng, động viên xứng đáng; rà soát, điều chỉnh, nhắc nhở các ban điều hành chưa phát huy hết khả năng, trách nhiệm của mình.

Trao hỗ trợ cho người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Hỗ trợ toàn dân

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, thành phố đã quan tâm, triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân khó khăn. Cụ thể, đã miễn mặt bằng cho tiểu thương; hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ tiền học phí cho học sinh mầm non, tiểu học; hỗ trợ tiền ăn trong khu cách ly; hỗ trợ cho người dân vùng phong tỏa có quyết định trước ngày 15-8, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm; tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn…

Song song đó, Đà Nẵng đã hỗ trợ 142.064 hộ dân theo Công văn 5433/UBND-KT, Quyết định 2840/QĐ-UBND (ngày 23-8-2021), trong đó có 50.000 suất quà và hơn 92.064 suất tiền. Sau đó, Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ người dân theo Quyết định 2903/QĐ-UBND thêm 226.000 suất (mỗi hộ 500.000 đồng, kinh phí hơn 113 tỷ đồng).Tổng cộng, 346.000 hộ được hỗ trợ, trong đó có 66.000 trường hợp là hộ công nhân, sinh viên ở trọ. Đà Nẵng có khoảng 280.000 hộ dân, như vậy các gói hỗ trợ đã phủ hết toàn dân. Hiện, bên cạnh các gói hỗ trợ đã hoàn tất, một số gói hỗ trợ đang được các đơn vị, địa phương nỗ lực triển khai, trao tận tay người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị, các đơn vị, địa phương nhanh chóng chuyển các phần quà hỗ trợ của thành phố đến tay người dân. Nếu trường hợp nào sau khi nhận hỗ trợ vẫn còn khó khăn thì các địa phương lập danh sách, kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát các lao động mất việc làm để đề xuất thành phố hỗ trợ.

Về công tác phòng, chống dịch, ông Chinh đề nghị các địa phương quan tâm đến các trường hợp hoàn thành cách ly về nhà và các F1 trong các khu cách ly. “Các địa phương phải chỉ đạo các đơn vị quản lý thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn các khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, các trường hợp F1 trong gia đình có F0 dứt khoát phải cách ly riêng, không trộn lẫn với các F1 khác. Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh cần căn cứ kết quả xét nghiệm đại diện hộ gia đình đợt 6 để có những đánh giá, đề xuất các giải pháp phù hợp để thành phố triển khai trong thời gian tới”, ông Chinh chỉ đạo.

PHI NÔNG