Khẩn trương tuyển dụng giáo viên trước thềm năm học mới

Thứ ba, 29/08/2023 08:18
Hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Trong đó, riêng năm học 2023-2024, theo dự báo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cả nước cần tuyển bổ sung hơn 81.500 giáo viên các cấp để đảm bảo cho việc dạy - học.
Đội ngũ giáo viên là nguồn lực quan trọng nhất của ngành giáo dục và là nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục.
Đội ngũ giáo viên là nguồn lực quan trọng nhất của ngành giáo dục và là nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục.

Trước thực trạng này, tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp".

Được biết, tháng 7-2022, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 – 2026, trong đó, riêng năm học 2022 - 2023 là hơn 27.800 giáo viên. Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương nhanh chóng triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và tuyển dụng số biên chế các môn học ở Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước mới tuyển dụng thêm được hơn 17 nghìn giáo viên công lập. Hiện còn trên 74 nghìn chỉ tiêu biên chế giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu đã được giao, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Vì vậy, các địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học còn thiếu. Đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Vũ Minh Đức cũng chia sẻ: Kinh nghiệm cho thấy, nếu các Sở GD-ĐT bám sát, phối hợp chặt chẽ với ngành Nội vụ, việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế được giao sẽ không khó. Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, bên cạnh chính sách tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng, trước thềm năm học 2023-2024, nhiều chính sách tuyển dụng đã được các địa phương khẩn trương ban hành để bổ sung một phần số lượng giáo viên thiếu hụt tham gia giảng dạy ngay từ năm học mới.

V.H-B.T