Khẩn trương xây dựng thêm bệnh viện dã chiến và các khu cách ly F1
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, ngày 6-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương và các ngành chức năng liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, lên phương án xây dựng thêm bệnh viện dã chiến sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và các khu cách ly tập trung F1 nhằm “chia lửa” với những nơi sắp quá tải.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ngày 6-8. |
Thưởng “nóng” cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Để kịp thời động viên những cố gắng, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định “thưởng” nóng cho các đơn vị tham gia làm nhiệm vụ. Cụ thể, thưởng cho Công an và Y tế mỗi đơn vị 1 tỷ đồng; Quân đội, Biên phòng 500 triệu đồng; Thành đoàn Đà Nẵng và mỗi quận huyện 200 triệu đồng; mỗi xã phường 100 triệu đồng. Liên quan đến việc hỗ trợ cho người dân trong các khu cách ly y tế, phong tỏa trên địa bàn Q. Sơn Trà, qua 2 ngày triển khai, các địa phương đã phát được gần 5 tỷ đồng, kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục trao hỗ trợ đợt 1, dự kiến sẽ trao 2 đến 3 đợt với tổng cộng số tiền gần 100 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. |
Cấp giấy đi đường cả ngày nghỉ
Theo ông Phan Văn Sơn – Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, trong ngày 6-8, thành phố ghi nhận 61 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, 48 ca đã được cách ly, 10 ca trong khu phong tỏa và 3 ca trong cộng đồng. 3 ca trong cộng đồng này gồm 1 trường hợp có triệu chứng đến khám, xét nghiệm tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu; 2 trường hợp là các tiểu thương buôn bán tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) và chợ Khái Tây (quận Ngũ Hành Sơn), được lấy mẫu liên quan đến Cảng cá Thọ Quang. Đến nay Sơn Trà vẫn tiếp tục là “điểm nóng” khi chiếm 54 ca nhiễm trong ngày liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ Cảng cá Thọ Quang.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao nỗ lực dập dịch của cả chính quyền cùng người dân sinh sống trên địa bàn Q. Sơn Trà. Tuy nhiên, theo ông Chinh, với con số mắc mới vẫn còn ở mức cao, không chỉ riêng Sơn Trà mà các đơn vị, địa phương khác cũng cần tập trung hỗ trợ tối đa các nguồn lực cho Sơn Trà sớm xóa bỏ “điểm nóng”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương và ngành chức năng phối hợp kiểm tra, rà soát xây dựng thêm bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung để tránh tình trạng quá tải xảy ra. |
Theo thống kê, trong ngày 6-8, 230 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố đã dừng xe kiểm tra 1.043 trường hợp người dân ra đường, xử lý 21 trường hợp vi phạm, trong đó có 7 trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng quy định. Ông Chinh nhìn nhận, sau khi thành phố siết chặt hơn việc quản lý hoạt động lưu thông của người dân bước đầu cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn khi số ca trong cộng đồng có tín hiệu giảm, người dân ra đường cũng đã không còn cao như những ngày đầu.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai cấp giấy đi đường cho người dân được phép ra đường theo quy định của Chỉ thị 05 trong giai đoạn giãn cách xã hội, kể cả trong ngày nghỉ cuối tuần để sớm hoàn tất công việc này. Trong quá trình triển khai cấp cũng phải vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người cũng như không để người dân đứng nắng đợi chờ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP đang đi đúng hướng và đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đồng thời phải linh động, mềm dẻo trong các tình huống, không nên quá máy móc chờ đợi chỉ đạo.
Qua việc áp dụng mẫu giấy đi đường mới, lượt người dân ra đường không cần thiết đã giảm một nửa so với những ngày đầu. |
Sẵn sàng trước diễn biến xấu
Để chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó với tình hình xấu của dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương cùng các ngành chức năng liên quan khẩn trương phối hợp xây dựng thêm bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung F1. Hiện nay, Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến ở Ký túc xá phía Tây thành phố trên địa bàn Q. Liên Chiểu với quy mô hơn 2.000 giường trong 5 block chung cư. Ngoài ra, nhiều khu cách ly F1 cũng đã được thiết lập trên khắp địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với đà tăng của F0 và F1, các ngành chức năng phải nỗ lực tìm, kiếm xây dựng thêm nơi điều trị và cách ly để không bị động trước tình huống xấu.
Theo ông Chinh, khu chung cư dành cho người thu nhập thấp ở Tân Trà (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) đã cơ bản hoàn thành và đảm bảo các điều kiện cách ly F1. Ngoài ra, còn có khu Ký túc xá Đại học FPT; các trường học trên địa bàn các quận, huyện; Trường Trung cấp Công an trên đường Hà Mục (Q. Cẩm Lệ) cũng có khả năng sử dụng làm các khu cách ly tập trung. Riêng về bệnh viện dã chiến, có thể rà soát, nghiên cứu xây dựng tại khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm (Q. Cẩm Lệ).
“Các địa phương, đơn vị cần phối hợp thật tốt, tiến hành kiểm tra thật kỹ về trang thiết bị, điều kiện vệ sinh, ăn ở ở những khu vực này để sớm triển khai thực hiện, không để xảy ra quá tải ở các nơi khác. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tiếp tục làm việc với Quân khu 5 để tìm thêm nơi cách ly F1 phù hợp. Song song đó, các địa phương cũng chủ động nghiên cứu thành lập các trung tâm chỉ huy tại các quận, huyện để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch”, ông Chinh chỉ đạo.
Phi Nông