Khánh Ly - đằng sau nụ cười

Thứ năm, 04/06/2015 09:26

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, công chúng biết đến Khánh Ly với hình ảnh là một ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng với tập tản văn “Đằng sau những nụ cười” hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi tiếp xúc  những mảng màu thương nhớ về quãng đời nhiều thăng trầm trong suốt hành trình 50 năm ca hát của Khánh Ly.

Với những ai đã từng nghe Trịnh từ mấy mươi năm trước, giọng ca đầy ám ảnh, ma mị của Khánh Ly là những thương nhớ không thể nguôi trong đời. Từng đạt giải Nhì cuộc thi tuyển chọn ca sĩ nhi đồng khi mới 11 tuổi, cùng Trịnh Công Sơn đi hát cho sinh viên nghe ở quán lá sơ sài dựng trên nền gạch đổ nát..., Khánh Ly dường như được sinh ra là để hát. Vì thế những câu chuyện, thông tin mà Khánh Ly kể trong cuốn sách đủ khiến người đọc thỏa những băn khoăn về “mối tình” âm nhạc của cô với Trịnh... Với giọng văn tâm tình, thủ thỉ,  Khánh Ly đã kể về mình, về người, về đời từ những điều rất đỗi giản dị.

Lối kể ấy, khiến bất cứ ai dù mê đắm nhạc Trịnh hay không thì qua giọng ca này cũng rưng rưng. Không viết theo bất cứ một trình tự nào, các câu chuyện kể trong “Đằng sau những nụ cười” như những đường nét riêng biệt, nhưng gắn kết trong những ký ức nhớ-quên. Trong đó hiện rõ tình yêu lớn của nữ ca sĩ với hai người. Một Trịnh Công Sơn, từng đi cùng nhau trong những ngày rất trẻ, yêu thương nhau bằng một tình yêu rất đỗi lạ kỳ. Một Nguyễn Hoàng Đoan ngỡ chỉ là một mảnh tình “chắp vá” nhưng đâu ngờ lại bên nhau đến trọn đời.

Trong cuốn sách “Đằng sau những nụ cười”, nữ ca sĩ Khánh Lý đã kể những câu chuyện bình dị về cuộc đời.

“Một hôm tôi hỏi Sơn-“Sống trong đời mình cần phải có gì? Làm gì?”. Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn-“Cần có một tấm lòng”. Tôi nhìn Sơn- “Một tấm lòng?”. Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. “Sống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi”.

Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gẩy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu dội vào cõi u tối, ngu muội” – Khánh Ly kể một kỷ niệm với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cứ như thế, trong sách Khánh Ly kể 55 câu chuyện nhỏ mà mỗi câu chuyện là nỗi đau, nỗi vui của cô cùng cuộc đời. Có khi cô nói về người cô nợ cả đời với những hoài niệm đằm thắm và yêu thương nhất. Có khi cô kể về “bốn mùa của tôi”, người đã đi cùng cô qua biết bao thăng trầm của đời sống, đã “chịu đựng” tính khí “khó chịu”, ngang bướng của cô. Có khi cô dành nhiều trang giấy để kể về những chuyến đi hát, về những người bạn tâm giao của mình. Hay cũng có khi dành nhiều thời gian chỉ để nói về những điều “vụn vặt” như hũ cà, cây ớt hay thậm chí là những lo lắng rất “phụ nữ” như tóc rụng, thừa cân,...

Và cho dù với bất cứ hồi ức nào, đằng sau những khóc cười riêng tư ấy đều là những yêu thương rất thực với người, với đời, với quê hương xứ sở. Dù đi khắp bốn phương,  nữ danh ca ấy vẫn vẹn nguyên một tấm lòng tha thiết với quê hương. “Tôi muốn được mãi mãi làm một người Việt Nam... nguyên vẹn hình hài... trong cái cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Một cộng đồng biết thương nhau bằng trái tim Việt Nam. Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên, nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình, tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim. Tôi ở đây và tôi cũng cần một trái tim” – Khánh Ly chia sẻ.

Những câu chuyện nhỏ trong “Đằng sau những nụ cười” của Khánh Ly có sức cuốn hút như chính giọng hát của cô. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Khi nghe Khánh Ly hát tôi luôn có cảm giác cô ấy hát không phải chỉ cho tôi mà dường như Khánh Ly hát cho chính sự oan trái của đời mình, hát cho số phận mình. Các ca sĩ sau này ít ai hỏi tôi vì sao tôi viết như thế, câu này có nghĩa gì, có lẽ sự khác biệt là ở đó”.

Minh Hà